Quốc tế

Bất đồng về khoa học khí hậu

Hà Anh 20/01/2024 08:34

Một số nhà khoa học cho rằng, việc phủ nhận sự thật hành tinh đang nóng lên nhanh chóng là vô trách nhiệm. Nhưng đối với những người khác, quan điểm đó không những sai lầm mà thậm chí còn “nguy hiểm”.

anh-bai-tren(3).jpg
Thiệt hại ở Lahaina do cháy rừng trên đảo Maui, Hawaii (Mỹ), tháng 8/2023. Nguồn: Reuters.

Kể từ khi các quốc gia thống nhất về tham vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, con số này đã trở thành mốc giới hạn ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến giữ cho sự nóng lên toàn cầu không vượt quá giới hạn này thất bại?

Nhà khoa học khí hậu James Hansen cho rằng, giới hạn 1,5 độ C là một thiếu sót của cộng đồng khoa học “khi không nói rõ với các nhà lãnh đạo chính trị về tình hình thực tế”. Theo ông Hansen, tốc độ nóng lên toàn cầu đang gia tăng và thế giới chắc chắn sẽ vượt qua mức nóng lên 1,5 độ C. “Bất cứ ai am hiểu về vật lý đều biết điều đó” - ông Hansen nói. Lời cảnh báo của ông Hansen về biến đổi khí hậu vào những năm 1980, nhưng nhiều nhà khoa học khác đã phản đối mạnh mẽ quan điểm này.

Ông Michael Mann - nhà khoa học khí hậu hàng đầu tại Đại học Pennsylvania, cho biết: “Tôi có ba bằng vật lý và tôi có thể nói với bạn rằng, Hansen đã sai. Vấn đề không phải là vật lý mà là chính trị. Và những trở ngại chính trị có thể được khắc phục”.

Phản hồi từ bà Friederike Otto - nhà khoa học khí hậu tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London - thậm chí còn thẳng thắn hơn: “Hiện tại, mục tiêu 1,5 độ C là trong tầm tay và nếu giả vờ như không thì sẽ chỉ dẫn đến việc không thể tiếp tục làm gì nữa. Không phải trước 1,5 độ C thì mọi thứ đều ổn và sau 1,5 độ C thì một tiểu hành tinh sẽ rơi vào đầu chúng ta. Đây không phải là ngưỡng vật lý mà là mục tiêu chính trị”.

Những bất đồng về khoa học khí hậu không phải là hiếm bởi trái đất là một hệ thống rất phức tạp và bản chất của việc đạt được sự đồng thuận thường bắt đầu từ sự không đồng thuận của các nhà khoa học.

Nhưng khi sự nóng lên toàn cầu gây ra các đợt sóng nhiệt, lốc xoáy và thậm chí cả những cơn bão mùa đông dữ dội, như những cơn bão đã tàn phá các vùng của nước Mỹ trong năm vừa qua, cuộc tranh luận về tương lai của mục tiêu 1,5 độ C đẫ trở nên nóng bất thường.

Hiện nay, khi nhiều khu vực ở Mỹ và châu Âu phải đối mặt với ảnh hưởng từ đợt không khí lạnh khủng khiếp ở Bắc Cực, thật khó để nhớ lại năm 2023 nóng đến mức nào. El Nino - một hiện tượng khí hậu tự nhiên có xu hướng làm tăng nhiệt độ trung bình của trái đất - đã va chạm với xu hướng nóng lên toàn cầu lâu dài, khiến năm 2023 trở thành năm nóng kỷ lục. Theo dữ liệu từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus, năm nay có nguy cơ vượt quá 1,5 độ C.

Trong khi các nhà khoa học lo ngại nhất về sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm, chứ không chỉ một năm, thì mức nhiệt kỷ lục năm 2023 là một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Các nhà khoa học lo ngại, nếu thế giới vượt mức 1,5 độ C trong thời gian dài, tác động của biến đổi khí hậu sẽ bắt đầu vượt quá khả năng thích ứng của con người và hệ sinh thái.

Mỗi phần trăm của 1 độ C đều nghiêm trọng và sự hỗn loạn về khí hậu đã xuất hiện. Chỉ trong vài năm, thế giới đã ấm lên từ mức 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp lên khoảng 1,2 độ C hiện nay.

Đối với ông Hansen, sức nóng toàn cầu gần đây là bằng chứng thuyết phục rằng, mục tiêu 1,5 độ C đã thất bại. “Tôi không dành nhiều thời gian để tranh luận về điều này bởi tôi biết rằng, thiên nhiên đang trong quá trình chứng minh rằng chúng ta đang đúng” - ông Hansen nói.

Trọng tâm lập luận của ông Hansen là khẳng định gây nhiều tranh cãi rằng, trái đất đang nóng lên nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Ông chỉ ra sự mất cân bằng giữa năng lượng đến từ mặt trời và năng lượng thoát ra qua nhiệt tỏa vào không gian. Ông lập luận trong một bài báo tháng 11 mà ông là đồng tác giả với nhiều nhà khoa học khác.

Chia sẻ mối quan ngại của ông Hansen về tốc độ thay đổi nhiệt độ, ông Bill McGuire - giáo sư danh dự về khoa học trái đất tại Đại học College London cho rằng: “Sự cân bằng năng lượng của thế giới hiện đã vượt quá giới hạn cho phép. Điều đó thực sự đáng sợ”.

Nhưng đối với nhiều nhà khoa học khác, đơn giản là không có bằng chứng nào cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tăng tốc và ít nhất là chưa. Ông Chris Smith - chuyên gia về mô hình khí hậu tại Đại học Leeds ở Anh - cho biết, còn quá sớm để đưa ra kết luận về nhận định này. “Chúng tôi sẽ cần 3 hoặc 4 năm dữ liệu thực sự để tất cả đều đi theo cùng một hướng” - ông Smith nói và cho rằng, việc duy trì nhiệt độ dưới 1,5 độ C sẽ “rất khó khăn”, nhưng còn quá sớm để nói điều đó là không thể.

Ông McGuire lại có quan điểm khác: “Không có cách nào khả thi để thế giới có thể đáp ứng giới hạn này, vốn đòi hỏi lượng khí thải phải giảm gần một nửa vào năm 2030. Đóng khung mức 1,5 độ C như một “mục tiêu” cần đạt được, thay vì một giới hạn cần duy trì đã tạo ra ảo tưởng rằng, chúng ta có nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề”.

Theo bà Friederike Otto - nhà khoa học khí hậu tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London: “Mối quan tâm lớn là nếu các chính trị gia từ bỏ mức giới hạn 1,5 độ C, họ sẽ chuyển sang tập trung vào mức 2 độ C và đó thực sự sẽ là một thảm họa. Nó chính là nguy cơ gây ra hàng loạt điểm bùng phát khí hậu, bao gồm băng tan và rạn san hô chết hàng loạt cũng như cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người. Việc chúng ta dừng lại ở mức 1,5 độ C hay vượt lên trên mức đó bao nhiêu thực sự là một câu hỏi chính trị và chúng ta có khả năng thay đổi điều đó”.

Hà Anh