Đổi đời nhờ cây bắp
“Nếu như không trồng bắp, chắc giờ đây vợ chồng tôi đã phải lên Bình Dương làm thuê rồi, chứ đâu có nhà cửa khang trang, con cái đi học đủ đầy như vậy”. Đó là chia sẻ của chị Lâm Hồng Phương, ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
“Xóm bắp” trúng mùa, được giá
Có dịp trở lại xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long nơi được mệnh danh là “xóm bắp” của tỉnh Bạc Liêu những ngày đầu năm 2024, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui hiện trên khuôn mặt của những người nông dân. Thời điểm này bà con đang tất bật thu hoạch vụ bắp trong niềm vui trúng mùa, được giá. Nông dân phấn khởi vì bắp phát triển tốt, cho năng suất cao, lãi 5-7 triệu đồng.
Vừa thu hoạch rẫy bắp diện tích 4 công, ông Lâm Chí Đạt - một nông dân có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng bắp ở ấp Mỹ 1, cho biết, ông đang thu hoạch 4 công bắp với sản lượng khá cao, gần 4 tấn bắp. Nếu như nhiều loại rau màu bị rớt giá thì ngược lại trái bắp luôn trong tình trạng “cháy hàng” vì đầu ra ổn định, được thương lái đến rẫy xem và đặt cọc trước.
Theo nhẩm tính của ông Đạt, 4 công bắp ông bán được hơn 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 20 triệu đồng. “Trước đây, tôi trồng lúa, nhiều năm trở lại đây tôi chuyển sang trồng bắp thu nhập cao hơn, lại ít tốn công chăm sóc. Thời tiết năm nay khá thuận lợi, phù hợp cho cây bắp phát triển. Bắp cho hạt to, đều tăm tắp. Đây là vụ thu hoạch thứ 4 trong năm của gia đình tôi, thu nhập tổng cộng cũng gần 100 triệu đồng” - ông Đạt phấn khởi nói.
Vừa cân bắp bán cho thương lái, bà Trần Thị Cẩm - trú ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông vui mừng cho biết, gia đình bà cũng đã chuyển sang trồng bắp từ mấy năm nay. “Lúc đầu tôi trồng thử nghiệm và các vụ bắp trong năm đều thành công. Vì vậy, tôi quyết định chuyển đổi sang trồng bắp. Tính đến nay gia đình tôi đã hơn 4 năm gắn bó cùng cây bắp, đem về nguồn thu nhập khá. Bình quân 1 công cho khoảng 5.000 bắp. Hiện giá thương lái mua với 30.000 – 35.000 đồng/chục (14 bắp). Vụ này tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng. Tết này thế là ấm no rồi” – bà Cẩm cười rạng rỡ.
Tết Nguyên đán năm nay càng phấn khởi hơn, bởi không chỉ có nông dân vui vì được mùa, được giá bắp mà nhiều lao động địa phương cũng được giải quyết việc làm tại chỗ với tiền công khá cao từ việc tách và lột vỏ bắp.
Chị Nguyễn Thị Lam - ấp Mỹ 1 chia sẻ, mùa này bắp được giá, bà con ở đây cũng mừng vì được các chủ rẫy bắp thuê lột vỏ bắp. 1kg bắp lột được trả công 700 - 800 đồng. Mỗi ngày tôi lột được 150 - 200kg bắp, nên cũng được khoảng 150.000 đồng tiền công. Nhờ đó trang trải thêm tiền chợ, điện, nước cho gia đình.
Bà Ngô Ngọc Hân – cán bộ nông nghiệp, môi trường xã Vĩnh Phú Đông cho biết, toàn xã có diện tích trồng bắp hơn 20ha. Lúc đầu, bà con trồng tự phát và tự chọn những trái tốt làm giống cho vụ sau, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Vài năm trở lại đây, nhờ cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Phú Đông hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con mua những giống bắp thuần chủng, có khả năng kháng được sâu bệnh, nên năng suất dần được cải thiện. Từ đó, mô hình trồng bắp phát triển, nhân rộng.
“Hiện nay, bắp ở Vĩnh Phú Đông được công nhận ở là sản phẩm OCOP 3 sao, mở ra nhiều triển vọng để tạo mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho người nông dân”, bà Hân chia sẻ.
“Con đường bắp”
Tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp, đoạn qua ấp Mỹ 1, Vĩnh Phú Đông được mệnh danh là “con đường bắp”. Bởi tại đây có đến hàng chục người bày bán bắp luộc ở hai bên đường. Trong căn chòi nhỏ nằm ven tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp dẫn ra thị trấn Phước Long của bà Dương Thị Nương chất đầy bắp. Nơi đây, người dân đi lại khá đông nên việc buôn bán bắp của bà rất đắt khách. “Mỗi ngày tôi bán được vài trăm trái bắp lời cũng được 200 – 300 nghìn đồng, nhờ vậy cuộc sống vợ chồng tôi khá ổn định” - bà Nương chia sẻ.
Chị Lâm Hồng Phương- trú ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông cho biết, khu vực này là vùng trũng thấp lại lắm phèn, mùa mưa nước ngập trắng đồng, vì vậy cạnh tác lúa chỉ được 2 vụ, năng suất lại thấp hơn các vùng khác nên thu nhập bấp bênh. Nhiều người không bám trụ được ruộng đồng đã lên TPHCM, Bình Dương làm công nhân ở khu công nghiệp. Thế nhưng, cây bắp đã giúp bà con nơi đây đổi đời, có cuộc sống ổn định hơn. Cây bắp đã trở thành một trong những loại cây trồng chính giúp người dân Vĩnh Phú Đông thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Ông Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long thông tin, ban đầu khi chuyển đổi sang trồng bắp còn gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, huyện đã chủ trương hỗ trợ bà con 50% cây giống, hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng vi sinh, tăng cường cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư trạm bơm đảm bảo tưới tiêu. Đồng thời huyện chỉ đạo thành lập hợp tác xã lo đầu ra cho trái bắp nên bà con nông dân canh tác có hiệu quả, đầu ra ổn định. “Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trồng theo hướng luân canh, trong đó có trồng bắp, dưa hấu ở những nơi có điều kiện. Đồng thời đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm đảm bảo đầu ra nông sản cho bà con nông dân” – ông Liêm cho biết.