Nhiếp ảnh gia MPK: Hạnh phúc là trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại
MPK là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của TP Đà Lạt. Cuộc đời và tác phẩm của anh gắn bó với Đà Lạt. Với 37 triển lãm ảnh cá nhân, bắt đầu từ năm 1993 đến nay, MPK đã tạo cho mình dấu ấn nghệ thuật riêng biệt trong làng nhiếp ảnh Việt Nam. Chỉ một nét giản dị của lá cỏ, cành cây, sương mai…, cũng đủ thấy được sự bao la đẹp đến ngỡ ngàng của thiên nhiên.
Sinh ra tại Đà Lạt, MPK là một cậu bé ham chơi, thích rong ruổi, được đi học ở môi trường giáo dục xưa dù tốt, nhưng anh bỏ học và sớm đi vào trường đời.
MPK bắt đầu câu chuyện trong một quán cà phê quen thuộc ở TP Đà Lạt: “Đến bây giờ, tôi cảm thấy học đường cần thiết, mà trường đời cũng cần thiết”, MPK tâm sự. “Học ở trường cung cấp cho mình kiến thức, có được sự quy nạp, từ đó nối kết mà hành văn. Còn trường đời mà tôi đã lăn vào, cho tôi kiến thức rõ ràng để mang tính sáng tạo đúng đắn. Tôi đi vào đời sống quá sớm, mọi thành công của tôi đều từ trường đời dạy. Tôi học trường đời, học phí không tính bằng tiền mà bằng máu và nước mắt. Trong giai đoạn tuổi thơ tôi chỉ mày mò tìm kiếm về vũ trụ, sự tồn tại… Bây giờ thì tôi đang là một nhiếp ảnh gia”.
MPK đi vào con đường nghệ thuật, đúng thời điểm anh đi tìm cách mưu sinh. Khi ấy, MPK khoảng 24 tuổi, sinh ra, lớn lên ở thành phố, anh thì không biết cuốc đất, làm nông nghiệp. Đang chẳng biết làm gì để ra tiền, thì một người bạn rủ: “Ê Khùng ơi, làm khuân vác đi!”. Từ ngày đó, dù cơ thể ốm yếu, MPK chấp nhận theo bạn cùng trở thành cửu vạn. Mỗi ngày, anh khuân vác được 3 tấn gạo, mỗi tấn 12 đồng, một ngày làm đỏ máu mắt, anh được 36 tấn. Năm 1983, MPK xuống phố chơi, thấy mấy người chụp hình cho du khách, mỗi tấm họ kiếm được khoảng 80 đồng. MPK nhẩm tính, cứ 3 tấm hình là hơn anh làm công cửu vạn khổ cực một ngày, vì thế, MPK nảy ra ý nghĩ làm nghề chụp hình. Olympus - Pen EES-2, là máy ảnh đầu tiên mà MPK sở hữu, ngoài ra, anh mua một cuốn phim Orwo của Đông Đức. Có máy, có phim nhưng không ai dạy, bày cho cách chụp vì họ cho rằng bày cho người khác một nghề là mất nghề. Vì thế, MPK đọc trong bảng hướng dẫn của cuốn phim ghi: Trời mát tốc độ 30 - khẩu độ 56; trời nắng vừa 60 - 56 và nắng gắt 125 - 11 liền chụp theo. Chụp xong cuộn phim, anh mang đến phòng Lap để người ta rửa. Người rửa phim ở phòng Lap mắng MPK thậm tệ, nhờ vậy mà anh biết mình chụp không đúng.
“Tôi biết chụp ảnh dần nhờ những lời chửi mắng của người làm phòng tối”, MPK nhớ lại và kể thêm: “Thời đó, nhờ đi chụp hình dạo, tôi kiếm được rất nhiều tiền. Bạn tôi khen, “máy nhỏ mà mỏ hay”. Đi chụp hình được khoảng một năm sau, có lần, tôi dẫn một nhóm khách miền Tây đến Thung lũng Tình yêu, bỗng nhiên, nhìn lên bầu trời, có đám mây xanh, tôi tự vấn lương tâm “Khùng ơi, mày làm ăn tiền nhiều, mày chỉ vỗ béo cho bản thân, mà không làm cho đời, thì mày chết thành con heo mất”. Nghĩ xong, tôi bỏ luôn đám khách, đưa máy lên chụp bầu trời, bức ảnh phong cảnh đầu tiên của tôi ra đời, được đặt tên là “Khát vọng”.
MPK tiếp tục kiếm tiền bằng việc chụp hình cho du khách. Tiền có anh lại dùng mua phim, tìm những nét đẹp của thiên nhiên, con người để chụp. MPK quan niệm, tình yêu sinh ra mọi thứ trên đời này và nét đẹp cứu rỗi mọi sự tha hóa. Với quan điểm: “Nghệ thuật là một phương tiện, thông đạt ý tưởng cho toàn cầu, không thuộc riêng miền xứ”, anh đi theo tôn chỉ tự đặt ra cho chính mình, trên con đường nghệ thuật. Từ đó đến nay, năm nào MPK cũng tổ chức một triển lãm ảnh riêng. Với anh, khi người xem đứng trước từng tấm ảnh, người ta sẽ nảy sinh tình yêu tự nhiên, trước cái đẹp, con người cảm thấy bình an, thể hiện lòng thương với nhau trọn nghĩa hơn.
Để có được những tấm hình thiên nhiên đẹp, MPK sử dụng máy chụp bằng phim. Anh phải đi tìm máy cũ và tự “độ” máy để chụp. “Dịp kỷ niệm TP Đà Lạt 110 năm, tôi lang thang đi trên phố, bâng khuâng buồn vì chưa có gì để dâng về đất Mẹ. Từ năm 1993 đến nay, mỗi năm một lần, tôi dâng đóa hoa bằng các bức ảnh của mình lên đất Mẹ Đà Lạt.
Hôm đó lang thang thấy một đóa hoa, tôi không có máy micro 1:1 để chụp, buồn quá, tôi vào quán cà phê Tùng quen thuộc, gọi điện cho bạn hỏi, thì bạn nói muốn mua được máy đó là 3.000 đô la trong khi 3.000 đồng cà phê tôi còn phải nợ chủ quán. Tôi nhớ xưa lớp đệ tứ có dạy về quang học, tôi có ống kính bình thường là 50, khi chụp ngược lại ống kính sẽ được hội tụ, chụp các tấm hình cận ảnh rất đẹp. Người ta nói “cái khó thì bó cái khôn”, còn với tôi “cái khó ló cái khôn”, các tấm ảnh về sau của tôi chụp đều là do tôi lật ngược ống kính để chụp. Nhưng máy ảnh chỉ là phương tiện. Còn ý niệm nghệ thuật của mình mới thực sự là quan trọng”, MPK tâm sự.
MPK không chủ đích đi tìm cảnh đẹp vì càng tìm thì càng không thấy, nhưng nếu vô tình thì sẽ chợt gặp được. Để có được khoảnh khắc lưu lại qua mỗi lần bấm máy thì lại vô cùng vất vả. MPK từng chụp bộ ảnh đỉnh núi Lang Biang năm 2013. Dịp kỷ niệm TP Đà Lạt 120 năm, anh lang thang đi, dừng chân ngồi… nhìn thấy đỉnh Lang Biang (tên cổ là Lơm Biêng), mây phủ quá đẹp, nhưng chụp ban đầu thì ảnh quá nhỏ và phía dưới nhiều nhà lô nhô.
Như có tiếng nói của “Cha trời mẹ đất”, anh chụp 120 tấm, theo paronama. Khi ghép 3 ảnh vào với nhau, ra được bức đẹp. Chỉ là chụp đỉnh núi, MPK mất 6 tháng, sáng, trưa, chiều, tối, những ngày mưa, ngày nắng, ngày lạnh, ngày nóng, ngày khô, ngày ướt... “Trong nhiếp ảnh, đừng bao giờ đem quá khứ vào trong hiện tại. Cũng như đời sống của chúng ta, khoảnh khắc đời người đi qua thì cũng không trở lại, vì vậy hãy thưởng thức hiện tại. Hạnh phúc là trong hiện tại. Mỗi bức ảnh tôi đều chụp khoảnh khắc của hiện tại. Dù hiện tại sẽ là quá khứ. Cũng như tôi đang uống cà phê thì phải thưởng thức ly cà phê ngon lúc này”, MPK nói.
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Đà Lạt và 40 năm cầm máy, MPK bày triển lãm cá nhân những bức ảnh đặc sắc nhất chọn lựa từ 40 bộ ảnh mà anh đã chụp mỗi năm trước đó. Từ “Đời sống côn trùng” đến “Tiến trình tâm thức”. Bộ ảnh “Tiến trình tâm thức” với MPK rất lạ, từ bức “Khát vọng” đầu tiên chụp năm 1983, tiến trình đời người được mô tả với đủ hỉ, nộ, ái, ố, rồi để sự tan rã như đóa hoa bồ công anh. Từ đó thấy được, trong sinh có diệt, trong diệt có sinh. Sống là chuỗi chuyển hóa không ngừng.
Với MPK, con người không có dục thì không có lòng từ bi. Trong đó có 27 bức, từ năm 1983 đến 2002 mới hoàn thành. Với bộ hình “Ngo” (dân Đà Lạt gọi cây thông là cây ngo). MPK lang thang, thấy người ta phá rừng thông, anh chụp lại những tấm hình về cây ngo, chỉ để mong người ta không hủy hoại thiên nhiên nữa:
“Khi chụp, tôi thấy cây ngo ứa ra mủ rất đẹp. Tôi lưu lại những nét đẹp của cây ngo, trong nắng, trong mưa, dưới nguồn sáng mặt trời, trong ánh mặt trăng… Năm 2022, lục lại để làm triển lãm, tôi thấy ảnh về cây ngo đẹp quá, bỗng nhiên, sự lên án về phá hoại cây ngo không còn nữa. Tôi nghĩ, cần giữ lại những nét đẹp là đủ rồi, chỉ cần cái đẹp là đủ làm người ta an lòng để biết yêu thương”. Khi triển lãm, có người hỏi có phải MPK giới thiệu những bức hình này để bảo vệ thiên nhiên không, anh nói: “Không, thiên nhiên đang bảo vệ chúng ta đấy chứ. Khi chúng ta biết giữ vẻ đẹp thiên nhiên thì con người cũng được sống trong sự bình an bao bọc của thiên nhiên”.
MPK yêu Đà Lạt vì Đà Lạt yêu anh. Cha trời mẹ đất Đà Lạt đã yêu anh trước. MPK đi lang thang khắp chốn rồi nhận ra dù đi đâu thì cũng không có gì sâu hơn là vào bên trong tâm hồn mình. MPK quay trở về Đà Lạt. Khi ở Đà Lạt, dù nghèo nhưng anh cảm nhận được sự khoáng đạt tự do:
“Đà Lạt có điều rất hay, đó là cái nắng lạnh vào tháng 10 đến tháng 12. Ánh nắng vàng óng ả nhưng lại mang hơi lạnh. Như biểu thị sự nhất thể của vũ trụ, không còn lưỡng nghi nữa. Khi nhất thể thì ta mới có thể sống đời ý nghĩa”. Nắng lạnh Đà Lạt đã kéo MPK trở về và sống mãi với Đà Lạt. Vì thế lần này, anh tổ chức triển lãm ảnh về Đà Lạt, trên vườn Nắng Lạnh của một người em.