‘Con đường đau khổ’ nhất thế giới
Ngày 19/1, Cơ quan Di cư Panama cho biết, trong năm 2023 đã có tới 520.000 người di cư vượt qua rừng rậm "tử thần" Darien Gap để tới Bắc Mỹ. Họ nhắm mắt thực hiện một hành trình nguy hiểm bất kể sống chết.
Bà Samira Gozaine - người đứng đầu Cơ quan Di cư Panama cho biết, Darien Gap - khu rừng giữa Colombia và Panama, đã trở thành con đường di dân bất hợp pháp nguy hiểm nhất thế giới. Trong đoàn người di cư đau khổ ấy có tới 1/4 là trẻ vị thành niên và trong hành trình đằng đẵng ấy nhiều đứa trẻ đã mất cha mất mẹ. 51% số trẻ vị thành niên dưới 5 tuổi.
"Năm 2023, số người di cư băng qua Darien Gap đã lên mức kỷ lục” - bà Samira cho biết và cho rằng năm 2024 vẫn chưa thể nói là sẽ giảm nhiệt. Những người vượt qua Darien Gap có nguy cơ bị bạo lực, lạm dụng tình dục, buôn người và bệnh tật. Kể cả chết đói.
Phó Giám đốc Cơ quan Di cư Panama Maria Isabel Saravia cho biết, lượng người di cư vượt biên qua Darien Gap từng được cho là “chưa từng có” trong năm 2022 đã “bị bỏ lại phía sau”. Trong tổng số người băng qua Darien Gap, hơn 80% là người đến từ Venezuela, Haiti, Colombia và Ecuador.
Khu rừng tử thần Darien Gap có chiều dài 90 km. Từng đoàn người di cư bất hợp pháp lếch thếch đi bộ ngày này sang ngày. Họ không biết bao giờ mới ra khỏi khu rừng, nơi có những đầm lầy, rắn rết, ếch độc, bọ cạp đen và nhất là những tay súng cướp bóc.
Vùng rừng thiêng nước độc này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người di cư. Chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2023, lực lượng tuần tra biên giới Panama đã phát hiện 36 thi thể “vô thừa nhận”. “Chúng tôi cũng không biết rõ họ là công dân quốc gia nào vì trên người không có giấy tờ. Nhiều người đã chết vì những vết thương chí mạng. Có người chết do kiệt sức. Có hai đứa trẻ chết vì rắn độc cắn” - Manuel Noriega, một sĩ quan cảnh sát nói.
Rick Morales - một cư dân sống ngoài bìa rừng Darien Gap cho biết, anh đến đây “sinh cơ lập nghiệp” từ năm 2009, khi mà làn sóng di cư bất hợp pháp gia tăng. “Tôi làm nghề dẫn đường cho người di cư xuyên qua Darien Gap. Mỗi chuyến cả đi lẫn về mất chừng 7 ngày. Khi gặp một toán cướp thì chính tôi lại là người thương thuyết giúp người di cư phải nộp số tiền ít hơn” - Rick nói.
Arnulfo Arias, một phóng viên nghiệp dư từng qua lại khu rừng tử thần Darien Gap nhiều lần. Đầu năm 2024, anh quay lại nơi này và cho biết dòng người di cư vẫn “tuôn chảy”. Trong năm 2023, Arnulfo từng theo chân những con người rách rưới và đói khát băng qua khu rừng đầy hiểm nguy. Anh cho biết, có lần chính mình đã đối mặt với một nhóm cướp. Chúng đóng giả là những người đi lấy hoa lan rừng.
“Chúng khôn khéo tách số người di cư thành 3 nhóm nhỏ để dễ bề khống chế. Tôi thuộc nhóm đi về hướng Tây. Lúc trời tối, chúng mới lộ nguyên hình, dí dao vào cổ từng người và bắt đưa hết tiền, trang sức, đồng hồ” - Arnulfo kể.
Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng ở đó. Sau khi thoát được khỏi khu rừng và quay trở về, Arnulfo đã trình báo với cảnh sát. Nhưng đáng tiếc là họ chỉ bảo anh khai vào một tờ giấy, rồi cất vào ngăn kéo bàn. Thì ra, những “tai nạn” như vậy đối với người di cư khi băng qua rừng Darien Gap đã quá bình thường với họ.
Chán ngán, Arnulfo tìm đến một tờ báo địa phương với quyết tâm công khai bằng được những thảm kịch bị che giấu. Một biên tập viên hỏi: - Anh có bằng chứng gì về việc đó không? Tất nhiên trong trường hợp này thì không thể có bằng chứng. Vì thế Arnulfo cũng không làm được gì hơn. Chia tay, tiễn “người trình báo” ra cửa, biên tập viên còn “động viên”: - May cho anh đấy! Nhiều người không toàn thây để trở về đâu.
Theo bà Samira Gozaine, Cơ quan Di cư Panama đã áp dụng nhiều biện pháp để đối phó, nhưng tình hình vẫn ngày một nghiêm trọng hơn. “Chúng tôi chỉ còn cách cố hết sức giúp đỡ để những người di cư tránh được sự nguy hiểm khi băng qua Darien Gap. Nhưng thật đáng tiếc là hầu hết trong số họ đều né tránh không muốn tiếp xúc với chúng tôi. Vấn đề là do họ đã mất niềm tin và sợ bị bắt quay trở lại. Vì thế, tôi cho rằng những bi kịch của người di cư tự do băng qua rừng Darien Gap sẽ không thể chấm dứt trong năm 2024 này” - bà Samirra nói.
Darien Gap là khu rừng đầm lầy tách biệt thế giới bên ngoài, nằm trên biên giới của Panama và Colombia, được biết đến như một hành lang buôn lậu ma túy giữa hai nước. Người dân trong vùng đi lại trong rừng bằng xuồng gắn động cơ, gọi là “piragua”, bất chấp dòng chảy khá mạnh. Họ sinh sống trong những túp lều dựng trên những cây cột cao, lên xuống bằng thang với mục đích chống lại thú hoang và nước lũ cũng như có thể sớm phát hiện ra lũ cướp. Những túp lều ấy được gọi là “embera”, che chắn cho những phận người hết sức tạm bợ.