Kinh tế

Mua hàng qua livestream: Cảnh giác ‘chốt đơn’

PHẠM HÀ 21/01/2024 08:47

Thời điểm mua sắm cận Tết Nguyên đán, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi “chốt đơn” với những mặt hàng trên livestream.

anh3(1).jpg
Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng trên livestream. Ảnh: Ngọc Hà.

Không thể phủ nhận lợi nhuận từ hình thức bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội đang được rất nhiều người áp dụng, từ nhân viên cửa hàng nhỏ đến người nổi tiếng... đều tham gia vào “đường đua” này. Livestream có nhiều lợi thế để tiếp cận khách hàng, nhưng vẫn còn đó những mặt trái, nhiều mặt hàng giả, hàng nhái, nhiều hình thức lừa đảo dụ dỗ người xem...

Bán hàng qua livestream “lên ngôi”

Livestream bán hàng đang trở thành xu hướng thịnh hành tại Việt Nam. Từ khóa “livestream” không còn quá xa lạ đối với nhiều người khi hàng ngày, hàng giờ chỉ cần truy cập vào các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... là đều có thể tham gia vào các phiên livestream mua sắm.

Trong các phiên livestream, hàng hóa thường được giảm giá với các voucher khuyến mại hấp dẫn, bên cạnh đó khách hàng còn được tư vấn trực tiếp, biết rõ số tiền phải trả mà không mất công đến tận nơi nên việc mua sắm này trở thành thói quen của nhiều người. Bởi thế nhiều chủ cửa hàng thường xuyên tổ chức livestream, thậm chí mời người nổi tiếng để thu hút lượt xem. Càng nhiều người xem số lượng đơn hàng được chốt càng lớn, lợi nhuận của mỗi phiên livestream có thể lên đến hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng chỉ trong vài giờ đồng hồ ngắn ngủi. Đây chính là “mỏ vàng” mà gần như bất cứ ai cũng có thể khai thác (nếu biết cách) từ nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Đề án Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2023. Trong đó có mục tiêu: 100% các sàn thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền phổ biến pháp luật về thương mại điện tử, hàng hóa kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền của người tiêu dùng.

Người mẫu Diệp Lâm Anh từng tiết lộ, doanh thu khủng nhất từng đạt được trong một buổi livestream là 4 tỷ đồng, lợi nhuận thu được gấp 10 - 20 lần cát sê dự sự kiện. Hay KOL PewPew (tên thật Hoàng Văn Khoa) thường xuyên livestream bán hàng tạp hóa online trên TikTok với lượng xem trực tiếp có lúc đạt tới hơn 100.000 người xem. Anh từng khoe trung bình mỗi buổi livestream bán được khoảng 200 đơn hoặc nhiều hơn và nhận được lời mời của hơn 2.000 thương hiệu.

Bắt nhịp xu hướng thị trường, gần đây chính quyền một số địa phương đã hỗ trợ nông dân quảng bá, xúc tiến thị trường, mời người nổi tiếng livestream bán nông sản. Chẳng hạn như cuối tháng 12/2023, đã có 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành, tiếp cận 81,6 triệu người, tạo ra 18.200 đơn hàng, đạt doanh thu 4,2 tỷ đồng. Đây là chương trình được Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố cùng UBND Quận 1 phối hợp tổ chức để quảng bá, kích cầu tiêu dùng cuối năm.

Dưới góc nhìn khác, trong nhiều chiến dịch “giải cứu” nông sản, những người có sức ảnh hưởng trên nền tảng xã hội (KOL) đã thông qua các phiên livestream hỗ trợ người dân bán được số lượng lớn. Bên cạnh đó còn quảng cáo sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Với hình thức bán hàng này, có thể thấy hiện nay cơn sốt “người người livestream, nhà nhà livestream” ngày càng thịnh hành, mang lại nhiều lợi ích về mặt quảng bá, thu hút nhiều khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên sự nở rộ của bán hàng qua livestream cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Chị Thu Hương (35 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thường xuyên mua sắm thông qua các kênh livestream vì thấy rất tiện và thậm chí còn rẻ hơn khi mua trên website chính hãng. Nhưng có rất nhiều lần tôi mua phải đồ không ưng ý. Khi xem trên livestream được người bán hàng chào mời thì thấy quần áo, giày dép đẹp nhưng khi nhận hàng thì… không thể tin vào mắt mình. Ít nhất 5, 6 đơn hàng quần áo tôi mua qua livestream đều không thể mặc được".

Câu chuyện trên của chị Hương chỉ là 1 trong hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện dở khóc dở cười khi mua hàng qua livestream. Nhưng đằng sau đó còn nhiều vấn đề như hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngang nhiên bày bán ở các phiên livestream trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử là ẩn họa khôn lường đối với người tiêu dùng online thường nhẹ dạ, cả tin, dễ chốt đơn nhanh theo tâm lý ham rẻ.

Cảnh báo hàng giả tràn lan trên livestream

Thời gian gần đây, một số kho hàng giả, hàng nhập lậu đã bị lực lượng chức năng triệt phá khi đang livestream bán hàng. Chẳng hạn như ngày 18/1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã phát hiện một doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn TP Tân An tổ chức hoạt động livestream bán hàng sản phẩm mỹ phẩm trên TikTok shop có dấu hiệu vi phạm. Tiến hành kiểm tra, lực lượng phát hiện công ty này đang kinh doanh 1.280 sản phẩm có thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm gồm kem body, serum, kem face, chống nắng các loại, tất cả hàng hóa được sản xuất trong nước, vi phạm về nhãn hàng hóa. Tổng giá trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 350 triệu đồng.

Trước đó, cuối tháng 12/2023, lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra kho hàng của hotgirl Nguyễn Hoàng Mai Ly tại khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

Theo đó, kho hàng có giá trị lên đến 19 tỷ đồng, với các loại mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada... nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Thời điểm kiểm tra phát hiện hàng nghìn đơn hàng đã và đang được đóng gói để gửi tới các khách hàng đã chốt đơn trong phiên livestream trước đó. Mỗi đơn hàng có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.

Hồi đầu tháng 11/2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng chất lượng kém, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Hộ kinh doanh này có dấu hiệu sử dụng ứng dụng bán hàng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu.

Các mặt hàng chủ yếu là nước hoa có nhãn hiệu Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel...; giày, dép, túi, ví các thương hiệu Louis Vuitton, Adidas, Nike; mỹ phẩm là các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng hàng loạt các mặt hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hộ kinh doanh.

Nhìn nhận về các mặt hàng được công khai bày bán trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hay các phiên livestream, ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Nguy hiểm hơn khi các loại mặt hàng trên livestream được bán là các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng. Trên mạng xã hội TikTok ghi nhận hàng trăm livestream bán thuốc, thực phẩm chức năng với đủ hình thức để tiếp cận người tiêu dùng, khiến người dùng dễ dàng tin vào các loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo qua lời của những người mặc áo blouse trắng giống dược sĩ hay những người nổi tiếng mà mua phải những loại dược phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không được kiểm định bởi Bộ Y tế.

Trước sự kinh doanh tràn làn này, vừa qua Bộ Y tế đã đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó quy định các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử (thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương), nhưng không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến.

Từ những sự việc trên, có thể thấy rằng, vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường, nhất là trên các video livestream đang ngày càng khó kiểm soát. Chưa kể, đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... bị giả mạo, không đảm bảo chất lượng còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng khi sử dụng. Việc ai cũng có thể bán hàng online thông qua mạng xã hội không chỉ tồn tại những lỗ hổng trong kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến văn hóa, gây nhiều hệ lụy về vật chất, tinh thần cho người tiêu dùng.

Trong thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thị trường sôi động, vấn nạn hàng giả hàng nhái được dự báo tiếp tục phức tạp. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua hàng online qua livestream hay các sàn thương mại điện tử cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ; tìm hiểu kỹ thông tin hàng hóa trước khi mua; không chọn mua và sử dụng các hàng hóa giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện có các cá nhân, tổ chức bán hàng livestream là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi của các cá nhân, tổ chức đang sản xuất làm ăn chính đáng.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường: Cần có những quy định về định danh người bán hàng
Hiện nay có một thực trạng là các cửa hàng bán lẻ, bán buôn tại các khu đô thị lớn ở Hà Nội và TPHCM có xu hướng chuyển mô hình kinh doanh từ truyền thống sang online. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống. Đặc biệt, việc bán hàng trên các mạng xã hội rất phổ biến. Tuy nhiên, có tình trạng người livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho hàng ở một nẻo - ở vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên.
Để giảm thiểu tình trạng bán hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng, cần thay đổi quy định và có những quy định về định danh được người bán. Hiện nay, hàng triệu người bán ở trên mạng không định danh được, không biết được người bán đang ở đâu. Đề án 06 của Bộ Công an về cơ sở dữ liệu dân cư là nền tảng rất tốt để yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử, người bán hàng trên mạng bắt buộc kê khai thông tin, định danh người bán hàng. Từ đó mới thực hiện được nghĩa vụ thuế, hoặc khi có thanh tra kiểm tra vi phạm thì mới xác định được.
Chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới Quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương): Xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, song cũng rất nhiều người tiêu dùng gặp trở ngại khi mua sắm online. Đó là việc chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo; giá cả thường cao hơn so với việc mua bán trực tiếp; chi phí vận chuyển cao; đặt hàng rắc rối; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ; dịch vụ chăm sóc khách hàng kém... Vì vậy cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng chống hàng giả.
Trong những năm qua, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và Chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp. Hệ sinh thái số sẽ góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch trong thương mại điện tử, giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử; tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả trên môi trường mạng.

PHẠM HÀ