Nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu: Mong có thêm khán giả đến với ballet
“Múa ballet cũng giống như việc bạn làm toán và làm văn. Ballet nếu để làm đúng tất cả các kỹ thuật cũng giống như thực hành các công thức toán học. Làm thế nào để biến những thứ khô khan như động tác 1, 2, 3, 4 thành nghệ thuật múa thì nó lại đòi hỏi ở người nghệ sĩ phải giống như một nhà văn, biến con số thành câu thơ”, nghệ sĩ ballet Nguyễn Đức Hiếu tâm niệm.
Sinh năm 2000, tuổi Canh Thìn, nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài của Hiếu có lẽ sẽ ít người đoán được bên trong cậu là một “ông cụ” với những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc về con đường nghệ thuật mà cậu đang theo đuổi. Ở 10 năm đầu sự nghiệp, Nguyễn Đức Hiếu luôn cầu toàn khi múa. Với Hiếu, để làm một vũ công chuyên nghiệp, ngoài những đêm diễn thăng hoa thì hàng ngày phải là sự chuyên nghiệp, luôn luôn phải có sự cân bằng để ngày nào cũng phải đạt điểm 7, điểm 8 chứ không thể hôm điểm 10, hôm điểm 2. Đến khi nào bản thân có thể làm một cách dễ dàng như một cuộc dạo chơi nghiêm túc trong nghệ thuật, khi ấy mới là chuyên nghiệp.
Sau gần 20 năm xây dựng sự nghiệp, với hơn 60 huy chương vàng, bạc, đồng cấp quốc tế và quốc gia, cùng nhiều giải thưởng, nghệ sĩ múa Nguyễn Đức Hiếu đã đem đến cho công chúng nhiều tiết mục biểu diễn mãn nhãn từ khiêu vũ thể thao đến múa ballet cổ điển, đương đại. Việc đạt được thành công sớm khiến Hiếu luôn khao khát đi tìm cho mình sự hoàn hảo. Vì thế những áp lực, chấn thương là điều không thể tránh khỏi.
Hiếu tâm sự: “Mình bắt đầu với nghệ thuật nhảy múa từ khá sớm. Năm 7 tuổi mình bắt đầu theo học bộ môn khiêu vũ thể thao. 7 năm sau đó mình chuyển hẳn sang ballet. Việc chuyển từ khiêu vũ sang ballet khiến mình mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh dáng múa vì khiêu vũ yêu cầu phần hông dẻo còn ballet thì hoàn toàn ngược lại. Con đường 10 năm học và theo đuổi ballet đã khiến mình bị chấn thương khá nhiều. Đã 7 lần chân phải của mình hứng chịu những cơn đau vì bong gân nhiều cấp độ, nặng hơn là đứt dây chằng...”.
Đánh đổi để trở nên hoàn thiện hơn, nhưng cũng có lúc Hiếu muốn bỏ cuộc. “Đấy là khi mình cố gắng nhưng không thể đạt được mục đích. Trong một thời điểm mình muốn thực hiện một kỹ thuật khó, mình ép bản thân phải làm cho bằng được nhưng không thể, đó là lúc mình nghi ngờ về bản thân, không biết ballet có thuộc về mình hay không?”, Hiếu chia sẻ và cũng tự nhận rằng với tính cầu toàn và sự hiếu thắng nhiều lần đã giúp cậu đạt được giải thưởng nhưng đó cũng là chất xúc tác khiến cậu buộc bản thân phải “lớn” quá nhanh, như thế sẽ không bao giờ là đủ và dễ bị thất vọng về bản thân.
Có lẽ với những người nghệ sĩ Gen Z như Nguyễn Đức Hiếu, tự thân họ đã luôn luôn đặt ra một mục tiêu phải thành công sớm. Trong xã hội hiện nay, để thực hiện điều đó, người nghệ sĩ càng phải bản lĩnh hơn để vượt qua những khó khăn, thử thách.
Nhìn lại năm 2023 vừa qua có thể nói là một năm đáng nhớ của nghệ sĩ ballet Nguyễn Đức Hiếu. Đến với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) từ năm 2020 nhưng sau 2 năm dịch bệnh, đến 2023 Nguyễn Đức Hiếu mới được “chào sân” trong vai trò thành viên của VNOB. Ballet “Đông Hồ” là vở đầu tiên Hiếu ra mắt khán giả và may mắn đã tạo được thiện cảm với công chúng.
Với Hiếu, “Đông Hồ” là một chất liệu toàn mới lạ với bản thân cậu vì nó kết hợp ballet và múa dân gian đương đại, mang hơi hướng tân cổ điển. Nó yêu cầu nền tảng chân tay vẫn là của ballet nhưng vị trí điều khiển bụng và tất cả mọi thứ khác sẽ chuyển qua dân gian đương đại. Vượt lên mọi khó khăn, Hiếu đã hoàn thành xuất sắc các vở diễn “Đông Hồ” trong năm. Với Hiếu, khi đứng trên sân khấu “Đông Hồ”, cậu như được biến thành chú cá vàng trong khoảnh khắc cơn mưa bụi vàng rơi xuống, lung linh, huyền ảo, trong cảm xúc thăng hoa cùng tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả.
Không chỉ thành công với “Đông Hồ”, Nguyễn Đức Hiếu còn hoàn thành xuất sắc vai diễn Hoàng tử Albrecht trong vở ballet kinh điển thế giới “Giselle” cùng với NSƯT Thu Hằng - người bạn diễn ăn ý đã đồng hành cùng Hiếu trong nhiều năm qua. Với một vở diễn nổi tiếng như vậy, Hiếu đã từng rất lo lắng và băn khoăn nhưng cậu chỉ để điều đó diễn ra trong 4 ngày đầu khi được giao vai diễn. Khi bắt đầu làm việc Hiếu hoàn toàn trở thành con người khác, cầu toàn để có thể trình diễn một cách hoàn hảo nhất.
Để làm được điều đó, Hiếu cho biết, bản thân luôn phải giữ được tâm lý và điểm rơi cảm xúc. “Giống như Messi hay Ronaldo họ luôn luôn xuất hiện đúng lúc, bùng nổ đúng lúc, không phải lúc nào cũng họ cũng sẽ là hoàn hảo, nhưng sẽ có thời điểm để họ tỏa sáng, thì bản thân mình cảm nhận được và mình biết duy trì điểm rơi, không vội vàng với tất cả mọi thứ”, Hiếu nói.
Chia sẻ thêm về con đường sự nghiệp của mình trong thời gian tới, Nguyễn Đức Hiếu mong muốn bản thân sẽ tiếp tục cống hiến để đưa nghệ thuật múa ballet đến gần hơn với khán giả Việt Nam. Cậu luôn mong mỏi đến một ngày nào đó thứ nghệ thuật hàn lâm của phương Tây này sẽ thu hút công chúng thưởng thức nhiều hơn, trở thành một loại hình nghệ thuật phổ cập như nhạc nhẹ... tiếp thêm cho đời sống tinh thần của mọi người một loại hình giải trí. Còn bản thân cậu sau thời gian khổ luyện đã bắt đầu vững kỹ thuật thì giai đoạn này sẽ tiếp tục tập luyện để làm sao múa đẹp và tinh tế hơn. “Mong rằng năm mới Giáp Thìn 2024 mọi thứ trong ngành nghệ thuật nói chung và ballet nói riêng sẽ quay trở lại và ổn định hơn để sẽ có thêm nhiều khán giả đến với ballet, giúp bộ môn nghệ thuật này phát triển và lan tỏa hơn nữa”, Nguyễn Đức Hiếu hy vọng.
Năm 2024 cũng là năm tuổi của Nguyễn Đức Hiếu, khi được hỏi giữa Nguyễn Đức Hiếu - múa ballet - con rồng có điểm gì chung, Hiếu vui vẻ ví von: “Bản thân mình, ballet và rồng tựu chung lại đều không chạm đất. Rồng thì vốn dĩ đã bay ở trên cao, bản thân là người làm nghệ thuật nên tâm hồn mình luôn bay bổng. Còn ballet, đặc biệt trong kỹ thuật múa nam, những gì giúp họ tỏa sáng nhất chính là kỹ thuật nhảy. Trong tim mình vẫn luôn luôn khắc ghi khoảnh khắc hai lần khi mình nhảy xoạc bay trên không trung ở vở “Đông Hồ” và “Giselle” trong sự dõi theo và cổ vũ của khán giả, thật thăng hoa và tự hào”.