Xã hội

Nghề canh nghêu nơi biển Tây

ĐOÀN XÁ 21/01/2024 12:59

Những căn nhà nhỏ như chòi cô độc nằm giữa mênh mông biển nước, chỉ ngủ ban ngày và thức ban đêm, điều khiển những chiếc máy bay không người lái (flycam) thành thục… là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của người canh nghêu trên những vùng biển phía Tây Nam. Những ngày cuối năm, chúng tôi giong ghe vỏ lãi chạy ra những căn nhà chòi giữa sóng gió, hòa mình vào cuộc sống lênh đênh.

img_2118.jpg
Những căn chòi canh nghêu trên biển.

Cuộc sống trên chòi canh

Cuối năm, vùng biển phía Tây Nam (từ mũi Cà Mau kéo dài ngược lên phía Tây tới khu vực Mũi Nai của TP Hà Tiên, Kiên Giang) cũng là mùa gió chướng ở khu vực này. Gió thổi mạnh hơn, thậm chí là mùa gió mạnh nhất trong năm, kéo theo sóng ập ào.

Từ khu vực hang Tiền ở xã Bình An (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) chúng tôi leo lên chiếc ghe vỏ lãi dài chừng 4 mét của anh Nguyễn Văn Trí (tên gọi khác là anh Tèo) để ra nhà chòi trên biển. Anh Tèo là người canh nghêu cho chủ nuôi ở ven biển xã Bình An. Chiếc ghe chạy trong con rạch nhỏ chừng nửa cây số rồi ra cửa biển, sóng bắt đầu lớn hơn nhưng cũng chỉ nửa tiếng sau là chúng tôi tới căn chòi. Nhìn xa xa, chòi như chiếc tổ chim nằm chơ trọi trên biển nước mênh mông. Anh Tèo cập ghe, buộc neo để mọi người bước lên chòi. Thủy triều giữa trưa lên cao nhưng nước vẫn cách sàn chòi chừng một mét rưỡi. Lúc này, anh mới giới thiệu về bản thân. Theo đó, anh quê ở Châu Đốc (An Giang) nhưng theo bạn về đây làm nghề biển rồi bén duyên, lập gia đình sống tại vùng Kiên Lương này.

“Tôi canh nghêu cho người ta ở đây từ trước dịch Covid-19 cơ. Mỗi tháng tiền công là 6 triệu đồng. Vợ và 2 đứa con nhỏ ở ngay chỗ bến đò vừa nãy nhưng phải vài ngày tôi mới vào một lần, giờ cuối năm tới mùa thu nghêu nên càng phải canh nhiều hơn”, anh Tèo tâm sự.

Theo người đàn ông này, nghêu ở đây được ngư dân nuôi trên các bãi tự nhiên ở biển, có phân chia và thuê từ chính quyền địa phương, thường cắm những chiếc cọc nổi có gắn cờ nhỏ. Mặc dù vậy nhưng dân địa phương làm nghề đánh bắt cá tôm mực vẫn có thể khai thác thủy sản trên mặt nước nơi có nuôi nghêu ở dưới đáy biển. “Ngư dân ở đây thường chỉ lưới tôm tít, lưới ghẹ, vớt mực đêm hay cá đối mà thôi. Nếu vậy thì mình sẽ không lo lắng gì đâu bởi nghêu nằm dưới cát biển, không sao cả. Nhưng nhiều ghe biển họ chơi xấu sử dụng đánh bắt tận diệt như giã cào gai, xuyệt điện hay thậm chí trộm nghêu mùa thu hoạch như bây giờ. Vì vậy mình phải canh phòng, cảnh giác để họ không làm bậy”, anh Tèo chia sẻ.

Cũng theo anh Tèo, do các chủ nuôi nghêu đều có làm chòi canh, thuê hoặc tự trông coi nghêu nên ghe biển gần như không vi phạm quy ước chung. Chỉ có những lúc ban đêm, mưa gió và trúng mùa thu hoạch nghêu (nghêu đã lớn) thì việc canh chừng mới cần thiết. “Ở đây quan trọng nhất là ban đêm, hầu như mùa này phải thức suốt. Bởi dân biển họ làm nghề ban đêm nhiều, ban ngày đa phần cũng về nghỉ. Ngoài việc nghe tiếng máy nổ, mình cũng phải quan sát đèn để biết những ghe có ý định xấu xâm nhập khu vực nuôi nghêu. “Biển mênh mông, đánh bắt ở đâu cũng được. Chỉ những ghe xấu mới tìm tới gần các chòi canh nghêu giăng lưới mà thôi. Lúc đó mình phải soi đèn, thậm chí gõ kẻng nữa để họ biết. Có lúc tôi còn phải điều khiển flycam bay vè vè trên đầu cho họ biết. Nhiều ghe họ phóng điện đánh cá, làm nghêu mình dưới biển cũng bị chết theo”, anh kể thêm.

Theo quan sát của chúng tôi, quanh khu vực chòi của anh Tèo cũng có 7-8 căn chòi khác, cách nhau chừng 200-300 mét. Các chòi có thiết kế giống nhau, có đóng cọc bằng tràm, lợp tôn xung quanh khá chắc chắn. Với đặc thù hiếm khi có bão, những căn nhà chòi là nơi cư ngụ rất chắc chắn của ngư dân canh nghêu. Cũng theo anh Tèo, do ban ngày khá rảnh rỗi và nhiều thời gian nên anh có xin chủ bãi nghêu cho làm thêm bằng cách đặt lọp ở khu vực ven biển. “Tôi có hơn 400 mét lọp rải ở gần. Mỗi sáng vợ tôi đưa hai đứa nhỏ đi học xong chạy ghe ra để gỡ lọp phụ. Nghề đặt lọp vất vả nhất là khi gỡ. Bây giờ mùa tôm tít bự, mỗi ngày cũng kiếm được 3-5 kg, cùng với ít cá dò, cua đá nữa. Tôi gần như chỉ bán tôm tít thôi, những thứ còn lại để ăn trong gia đình. Ở đây tôm tít dễ bán lắm. Thương lái họ mua gửi xe lên TPHCM liền”, anh Tèo kể thêm.

img_2666.jpg
img_2664.jpg
Cuộc sống của người canh nghêu trên biển Tây Nam.

Giấc ngủ mùa gió chướng

Trong khi chờ đợi anh Tèo chuẩn bị bữa cơm trưa, chúng tôi tranh thủ lên chiếc ghe vỏ lãi nhỏ để sang chòi canh nghêu bên cạnh. Chủ chòi là chú Nguyễn Văn Hai cũng là chủ của bãi nghêu này. Chú Hai năm nay đã hơn 60 tuổi, là người sinh ra và lớn lên ở vùng biển Kiên Lương này. Khác với anh Tèo, chú Hai và vợ sống ngay trên chòi canh nghêu dù chú có nhà ở trên đất liền. Đón tiếp chúng tôi, chú Hai cười rất lớn và mời ở lại ăn cơm trưa. Mặc dù hơn 60 tuổi nhưng cũng như nhiều ngư dân vùng biển khác, chú Hai nhanh nhẹn và nhìn rất khỏe mạnh.

“Bây giờ bắt đầu vào mùa mực nang rồi nhưng mực còn nhỏ. Phải sau Tết mực nang mới bự con. Mực nang ở đây nhiều lắm, đêm nào tôi cũng vớt được vài ký, ăn suốt ngày. Từ đầu tháng tôi đã cào nghêu bán cho thương lái trên Ba Hòn tới cân rồi. Chắc cào thêm 2-3 đợt nữa thì hết rồi về nhà đón Tết. Ở trên biển buồn lắm, chỉ có hai vợ chồng già mà thôi”, chú Hai cười bảo.

Căn chòi của vợ chồng chú Hai rộng chừng 20 mét vuông, có cả nhà vệ sinh ở cạnh và khá đầy đủ đồ bếp nấu ăn. Cũng như chòi của anh Tèo, người canh nghêu chỉ ngủ trên võng chứ không bao giờ ngủ trên giường. Bởi ban đêm sóng gió, chòi canh rung rất khó nằm. Thậm chí những hôm sóng lớn, nước chạm sàn chòi là bình thường. Tuy vậy, ngư dân không dám làm chòi quá cao bởi càng cao sẽ càng rung lắc mạnh.

“Tôi sinh ra lớn lên ở vùng biển này. Hồi trẻ đi ghe khắp nơi, ra tuốt Hòn Nghệ, Hòn Sơn, Phú Quốc đánh bắt. Có năm còn đi cả sang Malaysia lặn sò tượng. Sò tượng bên đó lớn lắm, nặng cả chục ký. Mình thuê biển rồi lặn mà không bao giờ lỗ. Lặn xong bán sò bên đó luôn, mua vàng đeo vào cổ rồi mới đi ghe về. Bây giờ có tuổi rồi nên không đi được nữa. Con gái út làm ngân hàng dưới Hà Tiên kêu ba mẹ vào bờ ở cho đỡ vất vả mà tôi thấy ở trên chòi thoải mái hơn”, ông Hai kể thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gọi là “nuôi nghêu” nhưng thực tế ngư dân chỉ bỏ tiền đầu tư thêm một ít nghêu giống còn vùng biển này nghêu tự nhiên cũng khá nhiều. Tới mùa nghêu giống, nghêu dạt vào bãi của ai thì người đó được. Sau đó, ngư dân tùy tình hình sẽ mua và thả thêm. Ngoài nghêu, một số loại giáp xác hai mảnh khác như vẹm, hàu đại dương hay sò đen cũng được thả nuôi. Thời gian cho thu hoạch của chúng hầu hết kéo dài từ 6 tới 8 tháng.

Càng về chiều, gió càng lớn và sóng càng mạnh. Lúc này anh Tèo đã đi gỡ lọp về, có khá nhiều tôm nhỏ và cua biển. Anh cũng lấy thêm mấy dây vẹm xanh thả nuôi sau chòi để buổi tối mọi người lai rai. Hoàng hôn trên biển xuống nhanh và đêm thường rất dài. Anh Tèo mắc thêm võng, đều sát vách để mọi người có chỗ ngủ. Như đã hẹn trước, chúng tôi sẽ đi ngủ sớm để buổi đêm bắt đầu lên ghe cùng ông Hai đi săn mực nang ở vùng biển này.

Trong khi đó, dù nằm trên võng nhưng anh Tèo vẫn bật 2 chiếc đèn pin cỡ lớn cho hai luồng ánh sáng trắng tỏa ra 2 hướng trên biển. Anh bảo đèn pin là tín hiệu trên chòi canh có người và cũng giúp anh thoải mái hơn những đêm một mình trên biển mênh mông.

ĐOÀN XÁ