Cúm A vẫn diễn biến phức tạp
Thông tin từ Bộ Y tế, cúm A đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc. Giám sát các trường hợp mắc cúm cho thấy, các chủng virus cúm gây bệnh chủ yếu là cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B.
Ghi nhận trên địa bàn Hà Nội, trong 2 tuần gần đây, bệnh viện tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân đến khám, chủ yếu được xét nghiệm và chẩn đoán mắc bệnh cúm A. Đáng nói, có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đang điều trị cho hơn 10 ca mắc bệnh cúm A trong tình trạng nặng, có trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy. Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày, có khoảng 100-150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A, trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị.
Cùng thời gian, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận gần 100 trường hợp đến khám được chẩn đoán mắc cúm A. Riêng khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận tới 42 trường hợp người bệnh nhiễm cúm A điều trị nội trú. Đặc biệt, có nhiều ca bệnh tiến triển nặng, có biến chứng, hay gặp nhất là biến chứng ở phổi, viêm cơ.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng thông tin, 3 tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc cúm.
Số liệu từ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình cũng cho thấy, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị do các triệu chứng của cúm gia tăng nhanh trong vài tuần gần đây. Từ đầu tháng 12/2023 đến nay, đã có 117 lượt bệnh nhi đến khám do các triệu chứng của cúm, trong đó đã có 45 bệnh nhi nhập viện điều trị do mắc cúm A, trung bình mỗi ngày có 10 trẻ.
BS Đặng Thị Thu Phương - Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, bệnh cúm A lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với virus qua những giọt bắn trong cơn ho, hắt hơi, chảy nước mũi. Đặc biệt là khi tiếp xúc gần và không mang khẩu trang phòng hộ.
Đôi khi các triệu chứng cúm A tự khỏi, hoặc nhẹ có thể điều trị tại nhà. Nhưng với trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc bệnh lý mạn tính về tim, phổi, thận, đái đường, cơ địa suy giảm miễn dịch… bệnh dễ biến chuyển thành ác tính. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao.
Cần lưu ý thêm với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A cũng có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. Cúm A có thể tiến triển rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong, Chính vì vậy, người dân nên đề cao cảnh giác, chủ động phòng bệnh. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, người bệnh không được chủ quan mà nên đến cơ sở khám, chữa bệnh uy tín để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra.
Để phòng bệnh cúm A, cần phát hiện sớm và quản lý các trường hợp nghi nhiễm cúm A để tránh lây lan, mang khẩu trang, tránh tụ họp đông người trong thời kì có dịch bùng phát. Ngoài ra, có thể tiến hành phòng ngừa bằng vaccine cúm ở các dạng khác nhau, nhất là ở nhóm đối tượng nguy cơ cao (trẻ nhỏ, người già, người trong viện dưỡng lão, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ có thai kì thứ 2-3 trong mùa dịch cúm, suy giảm miễn dịch, nhân viên y tế làm viện trong môi trường tiếp xúc gần với người bệnh...).
Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được sàng lọc, khám, tư vấn điều trị để hạn chế những biến chứng nặng xảy ra.
Theo Bộ Y tế, dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.