Xã hội

Thấy gì từ các dự án trồng rừng ngập mặn?

Đình Minh 22/01/2024 08:39

Những năm qua, tại vùng ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) đã có nhiều dự án được triển khai góp phần mở rộng “lá chắn” nơi cửa biển, tạo ra sinh kế và bảo vệ cuộc sống người dân.

anh1baitren.jpg
Thu hoạch ngao dưới những cánh rừng ngập mặn huyện Kim Sơn. Ảnh: Đình Minh.

Nhiều dự án trồng rừng được triển khai

Là huyện ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình, Kim Sơn có đường bờ biển dài 18km, nằm trọn trên địa bàn 4 xã Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông, Kim Tân. Với hơn 10.000ha vùng ven biển, Kim Sơn là nơi hội tụ của hơn 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn, 200 loài chim, được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở vùng châu thổ sông Hồng.

Tuy nhiên, vùng biển Kim Sơn thường xuyên bị ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, mưa lớn, lũ lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn… Để khắc phục tình trạng này, trong gần 20 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) và các tổ chức trong, ngoài nước trồng hàng trăm héc - ta rừng ngập mặn để bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy, hải sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Trong giai đoạn 1995 - 2020, huyện Kim Sơn đã thực hiện nhiều chương trình, dự án như: "Trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro thảm họa" do Hội chữ Thập đỏ tỉnh thực hiện; "Trồng rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu và chống xói lở bờ biển" do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện; dự án "661 trồng mới 5 triệu héc ta rừng" do Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) huyện Kim Sơn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện…

Năm 2021, dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng” có số vốn 3,792 triệu USD không hoàn lại do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ được triển khai trong vòng 5 năm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) và huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Dự án đặt ra mục tiêu trồng mới 240ha, trồng phục hồi/bổ sung 20ha rừng ngập mặt, thiết lập vườn ươm cây giống quy mô 2ha… tại huyện Kim Sơn. Ngoài ra, dự án cũng sẽ hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và phát triển du lịch sinh thái; hỗ trợ phát triển sinh kế; hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ rừng; đào tạo nâng cao năng lực, truyền thông và tham quan học tập; nghiên cứu phát triển.

Ông Vũ Văn Tấn - Trưởng BQL RPH huyện Kim Sơn cho biết: Qua liệu thống kê theo các năm, rừng và đất lâm nghiệp tại huyện có những biến đổi rõ nét. Cụ thể, năm 2011, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn huyện là 1208,03ha thì đến năm 2016, đã tăng lên 1432,94ha, năm 2022 tăng lên 1576,2ha, trong đó, đất có rừng là 630.65ha, đất trống là 945,55ha.

Người dân hưởng lợi từ việc trồng rừng

Nhờ trồng rừng ngập mặn, đời sống của hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển huyện Kim Sơn đã được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình không có tàu thuyền đi biển, hằng ngày vẫn có thể mò cua, bắt ốc, tôm, cá… kiếm trung bình từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày ngay dưới những tán cây.

Ngoài giá trị về kinh tế, các cánh rừng ven biển ở huyện Kim Sơn còn đóng vai trò như "bức tường xanh", góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai, bảo vệ dân làng, bờ đập nuôi trồng thủy sản, đê sông, đê biển khỏi nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão lũ, gió lốc, thủy triều… Bên cạnh đó, việc trồng rừng còn giúp xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái, điều hòa nguồn nước, tăng khả năng bồi tụ phù sa ven biển. Ngoài ra, trồng rừng còn tạo cơ sở cho địa phương xây dựng kế hoạch, đề án thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tạo sinh kế bổ trợ cho người dân, góp phần giảm sức ép từ các hoạt của người dân đối với rừng.

Năm 2023, BQL RPH huyện Kim Sơn tổ chức ký hợp đồng bảo vệ rừng với 22 hộ nhận khoán (mỗi hộ ký hợp đồng không vượt quá 30ha), mức hỗ trợ là 450.000 đồng/ha. Các chủ rừng thường xuyên phối hợp với các hộ nhận khoán, Hạt Kiểm lâm Kim Sơn, chính quyền địa phương các xã có rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát không để tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng xảy ra.

Ông Trần Anh Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Trước kia, các xã ven biển của huyện luôn phải chịu tác động nặng nề của thiên tai nên việc phát triển nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn, việc phủ xanh bãi bồi ven biển được thực hiện quyết liệt, giúp tạo nên một “bức tường” để người dân an tâm lao động, sản xuất.

Ông Khiêm đánh giá, việc trồng rừng ngập mặn đã mang lại nhiều lợi ích vô cùng to lớn, trong đó, trồng rừng đã tạo ra nguồn hấp thụ carbon, tạo ra nơi sinh sống cho các loại sinh vật biển; bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân; phát triển du lịch xanh… là những giá trị quan trọng nhất.

Đình Minh