Kinh tế

Thuận lợi và thách thức

Ngọc Quang 22/01/2024 08:41

Chia sẻ tại buổi lễ tổng kết của ngành dệt may Việt Nam, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tăng trưởng thấp của kinh tế toàn cầu 2024 có thể sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

anhbenphai67.jpg
Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng trong năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều định chế tài chính quốc tế dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2024 có khả năng chỉ ở mức tăng khoảng 2,4-2,9% (giảm nhẹ từ mức khoảng 3% năm 2023). Trong khi đó, rủi ro tài chính, tiền tệ và nợ trên thế giới còn cao. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, rủi ro chuỗi cung ứng còn hiện hữu…

Những yếu tố đó đều có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, năm 2024, nhiều động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam hồi phục và phát triển. Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là khả thi, trong khi dự báo mức tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức thấp (4,5%).

Theo TS Cấn Văn Lực, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong năm 2024 là việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1/2023 tạo điều kiện khá thuận lợi cho Việt Nam, do nước này là đối tác thương mại lớn nhất chiếm khoảng 25% kim ngạch cả xuất và nhập. Đặc biệt, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Năm qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất mà Việt Nam có tăng trưởng dương (+6%).

Động lực tiếp theo là đầu tư công được đẩy mạnh. Đầu tư nước ngoài (FDI) của cả thế giới năm 2023 giảm 1-2%, nhưng Việt Nam thu hút FDI mới tăng gần 15%. Năm 2024 cũng sẽ được “tiếp sức” khi mà lạm phát và lãi suất ngân hàng giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Động lực lớn nữa đó là một loạt các luật quan trọng đã và đang được thông qua nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Đây là những nền tảng pháp lý quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Vậy, phải chăng năm 2024 thuận lợi là chính?

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh thuận lợi, những động lực giúp tăng cường phát triển, thì cũng còn nhiều thách thức.

Trước hết, kinh tế thế giới có thể không rơi vào suy thoái nhưng dự báo tăng trưởng chậm hơn năm 2023. Điều này tác động khá lớn tới thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp. Du lịch quốc tế phục hồi chậm. Bên cạnh đó, tuy rằng mặt bằng lãi suất trong nước giảm nhưng vẫn còn cao, cùng đó phải đối diện với rủi ro đến từ thị trường tài chính - tiền tệ quốc.

Cụ thể hơn với khối doanh nghiệp (DN). Năm 2023 là năm vô cùng khó khăn của DN, đặc biệt ở những lĩnh vực nhiều lao động. Những khó khăn đó còn vắt sang năm 2024, tuy rằng sẽ dịu dần. Việc thiếu đơn hàng, DN buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến số lao động thất nghiệp, giãn việc tăng, thu nhập thực tế của người lao động sụt giảm.

Thêm nữa, thị trường bất động sản “ngủ đông” quá dài đã tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Năm 2024, dù được cho là thị trường sẽ “từ đáy đi lên” nhưng khó khăn có thể vấn đến từ chính các DN bất động sản, khi để chặn lỗ suốt thời gian dài họ sẽ tối đa hóa lợi nhuận bằng cách không giảm giá bán đối với các dự án nhà ở. Tại thời điểm này, giá nhà chung cư ở hầu hết các đô thị đều neo cao. Giá căn hộ chung cư (hạng trung) ở Hà Nội, TPHCM... được dự báo sẽ ở ngưỡng trung bình 45 triệu đồng đến 55 triệu đồng/m2. Giá bán đó vượt xa thu nhập của đa số người dân.

Như vậy, dự báo thị trường BĐS năm 2024 vẫn khó đạt được điểm trung hòa.

Riêng về thị trường trái phiếu DN, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sau những biến động của năm 2023, thị trường trái phiếu DN năm 2024 sẽ tăng trưởng bền vững và thực chất hơn. Đây sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả.

Trước các thách thức có thể có, theo giới chuyênn gia, tất cả các chính sách được áp dụng như thời điểm Covid-19 cần tiếp tục được duy trì, theo hướng chính sách tài khóa “mở rộng, trọng tâm” (giãn hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ...) và chính sách tiền tệ “linh hoạt, nới lỏng” nhằm hỗ trợ người dân, DN bị tác động nhiều bởi suy giảm kinh doanh, việc làm, thu nhập... Đồng thời cần thêm nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực y tế, thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, thị trường vốn, du lịch, đầu tư công; đa dạng thị trường xuất khẩu...

Đối với DN, để nhanh chóng vượt thoát khỏi khó khăn thì cần chủ động cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá... DN cần tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...), bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung.

Như vậy, kinh tế 2024 thuận lợi và thách thức đan xen. Tuy nhiên mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% là khả thi (năm 2023 GDP của Việt Nam là 5,05%).

Ngọc Quang