Năm 2024 và mục tiêu tăng trưởng 6,5%
Qua 3 tuần của tháng đầu tiên năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% của kinh tế Việt Nam là khả thi. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức từ 6,13% đến 6,48%. Trong khi đó, tại Báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam với tiêu đề “Việt Nam - Vững mạnh hơn nhưng không dễ dàng hơn”, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm 2024.
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), năm 2024 có 2 kịch bản tăng trưởng GDP: Khoảng 6,13 % trong kịch bản bình thường. Còn kịch bản tích cực có thể đạt gần 6,5%. Trong khi đó, lạm phát bình quân trong kịch bản một là gần 4%, nếu làm tốt hơn nữa, gắn với cải cách thể chế kinh tế và tăng năng suất lao động thì có thể chỉ khoảng 3,77%.
Những giải pháp bứt phá
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương (ngày 5/1/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” và tinh thần quyết tâm cao nhất nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất.
Trên tinh thần này, Thủ tướng đã nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2024.
Đó là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược như cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, phấn đấu năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hội đồng điều phối vùng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội.
Phát triển mạnh các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Năm 2024 phấn đấu hoàn thành ít nhất 130.000 căn nhà ở xã hội.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hóa các cam kết, thỏa thuận quốc tế, các FTA đã ký kết.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương ngay từ đầu năm, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...
Xung quanh chỉ tiêu xuất khẩu 377 tỷ USD
Xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công vốn là 3 động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công thương đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, tương ứng 377 tỷ USD; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo còn khó đoán định, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 377 tỷ USD. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, chỉ tiêu tăng trưởng 6% là khiêm tốn vì có thể đạt ở mức 8%, khi mà nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của thế giới đang tăng trở lại, đặc biệt là những ngành dệt may, giày da, thủy sản…
“Sau nhiều quý lỗ, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã có lãi. Các DN dệt may, da giày cũng tuyển dụng công nhân trở lại. Đây là tín hiệu phục hồi cho năm 2024” - ông Minh nói.
Tương tự, ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (VITIC) cho rằng, quy ra con số, xuất khẩu năm 2024 dự kiến tăng hơn 21,5 tỷ USD so với năm 2023. Con số này có thể thực hiện được vì năm 2023 xuất khẩu tăng trưởng âm, mức nền thấp. Do đó, mức tăng trưởng 6% là khả thi.
Tuy nhiên ông Phương cũng cho rằng kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, độ mở lớn và phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới. Nếu kinh tế thế giới phục hồi tốt, xuất khẩu sẽ tăng trưởng, ở chiều ngược lại, kinh tế trì trệ, xuất khẩu sẽ đi lùi.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright thì vẫn còn nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng 5 - 7%, chứ không bị âm như năm 2023.
Trong khi đó, cũng có ý kiến thận trọng với mục tiêu xuất khẩu 377 tỷ USD năm 2024. PGS.TS Phan Thế Công - Trưởng khoa Kinh tế (Trường Đại học Thương mại) nhìn nhận, kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 được dự báo vẫn ảm đạm và chỉ có thể khởi sắc từ giữa năm. Xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 tiến hay lùi sẽ phụ thuộc vào kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường trọng điểm.
Đồng quan điểm, ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc phát triển kinh doanh VIS Rating cũng cho rằng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ và EU, song kinh tế của hai thị trường lớn này được dự báo chưa thực sự khả quan. Vì vậy, xuất khẩu hàng hóa khó tạo ra đột phá trong năm 2024.
Dù vậy, kể cả những ý kiến thận trọng nhất thì cũng đều cho rằng xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 sẽ vượt năm 2023.
Nhận định của các tổ chức tài chính quốc tế
Tại thời điểm này, nhiều tổ chức tài chính cũng như truyền thông thế giới đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Trang Bloomberg (Mỹ), ngày 8/1, dẫn ý kiến giới chuyên gia, đã đưa ra nhận định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể duy trì mức lãi suất chuẩn ổn định trong năm 2024. Rõ hơn, lạm phát trong cả năm 2024 của Việt Nam được dự đoán sẽ ở mức 3,5% trước khi giảm xuống mức 3,2% trong năm 2025. Vẫn theo Bloomberg, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý 1/2024 và 6,5% trong quý 2/2024. Tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6% trong năm 2024 và 6,4% trong năm 2025.
"Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi" - Bloomberg dẫn lời ông Han Teng Chua, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS Bank).
Trong khi đó, tại Báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam với tiêu đề “Việt Nam - Vững mạnh hơn nhưng không dễ dàng hơn”, mới được công bố, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm 2024 (6,2% trong 6 tháng đầu năm và 6,9% trong 6 tháng cuối năm). Khi các dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ có dấu hiệu phục hồi, mang lại cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu.
Chuyên gia của Standard Chartered cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn. Xuất nhập khẩu đang phục hồi.
Đáng chú ý, Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 8/1 cho biết, 62% DN khảo sát xếp hạng Việt Nam là một trong 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu. 53% DN được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý 4.
Năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD; tăng 32,1% so với năm 2022. Điều này được Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhìn nhận là minh chứng rõ ràng cho niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế hơn 100 triệu dân.
Vẫn theo EuroCham, niềm tin của các DN châu Âu hoạt động tại Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Mức độ hài lòng của DN tăng lên rõ rệt: từ 24% lên 32%. “Một dấu hiệu nữa cho thấy mối lo ngại đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của các DN đã giảm từ 9% xuống 5%” - Báo cáo của EuroCham đồng thời cho biết 31% DN châu Âu có mặt tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động ngay trong quý 1/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư.
"Chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, nhưng các DN đang cảm thấy lạc quan hơn" - Chủ tịch EuroCham nói và cho biết cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam tin rằng đã vượt qua thời kỳ kinh tế thách thức và khó khăn nhất.
Tuy nhiên, Báo cáo của EuroCham cũng chỉ ra nhiều thách thức mà cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam đang gặp phải. Hơn một nửa DN cho biết gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy là một trong 3 rào cản lớn. Ông Gabor Fluit cũng cho rằng với 9% ý kiến phản hồi "thủ tục thông quan không rõ ràng và kéo dài" là một trở ngại mà Việt Nam cần sớm giải quyết.
Xuất khẩu - 1 trong 3 chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, nhưng theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong bức tranh đó, chúng ta có xuất khẩu rau quả và xuất khẩu gạo là những điểm sáng. Đây cũng là kết quả rất tích cực thể hiện sự phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, thách thức xuất - nhập khẩu 2024 vẫn lớn khi điều kiện về “giảm dấu chân carbon” từ các thị trường nhập khẩu lớn ngày càng ngặt nghèo hơn. Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu. TS Nguyễn Phương Nam - chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho rằng, ứng phó với tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nhập khẩu phải được coi là bắt buộc đối với các chủ thể tham gia vào hoạt động xuất khẩu. Còn theo các chuyên gia thương mại, để ứng phó thích hợp với các tiêu chuẩn xanh trong xuất nhập khẩu hàng hoá, có ít nhất “7 cần” mà DN phải làm, đó là: Đa dạng hoá đối tác thương mại; Đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; Tham gia vào các dự án bù đắp carbon; Đánh giá mức độ thâm dụng carbon; Đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và cần tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp. Có như vậy hoạt động xuất khẩu mới phát triển bền vững.