Hoàn tất 5.000 nhà đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên
Sáng 23/1, tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh thành phố, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng đối với hoạt động của công tác Mặt trận trong năm 2024.
Thông tin về kết quả triển khai đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên cho biết, với đề án xóa 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay, sau 9 tháng đã hoàn thành 100% mục tiêu dù quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn do địa hình.
“Triển khai Đề án, tỉnh Điện Biên đã rất nhanh chóng rà soát số lượng nhà cần hỗ trợ với phương châm nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm và người dân được tự quyết định mẫu nhà phù hợp với truyền thống của mình với hỗ trợ tối thiểu 50 triệu/căn. Chính bởi vậy Đề án nhận được sự đồng thuận, nên làm rất nhanh, trong khoảng 9 tháng đã hoàn tất 5.000 căn nhà với số vốn cần huy động là 250 tỷ đồng”, ông Lò Văn Mừng cho biết.
Về công tác chuẩn bị gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Mừng cho biết, sau khi nhận được văn bản của Trung ương, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tổ chức, triển khai hoạt động này trên địa bàn. Trong đó, các đối tượng cần gặp mặt thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu.
“Tuy nhiên hiện các cụ giờ tuổi trung bình cũng đã 90 tuổi trở lên. Nhiều cụ đã già yếu, không di chuyển được” ông Mừng cho biết và đề nghị nên cần sự tính toán hợp lý và chỉ gặp mặt những người còn đủ sức khỏe; còn đối với người có sức khỏe yếu thì không tổ chức gặp mặt mà tổ chức đi thăm, tặng quà.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc MTTQ Việt Nam chủ trì tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong toàn quốc trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là hoạt động ý nghĩa, nhân văn, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có đóng góp đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, khơi dậy truyền thống đoàn kết với vai trò chủ trì, nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, Thanh Hóa đã huy động 30% người trong độ tuổi lao động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với tổng số dân công hỏa tuyến là 178.924 người. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai các hình thức phù hợp để gặp gỡ, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.
Về chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong phạm vi toàn quốc, bà Phạm Thị Thanh Thủy cho rằng đây là việc làm cần thiết, thể hiện “thương hiệu” của MTTQ Việt Nam. Cùng với thành tựu của đất nước, người dân phải được thụ hưởng một cách thực chất, trước hết là ngôi nhà để "an cư lạc nghiệp". Do đó không nên để chậm trễ trong quá trình triển khai, huy động sức mạnh tổng hợp hoàn thành theo kế hoạch. Mỗi địa phương cần có cách chỉ đạo, tập trung, khẩn trương, làm dứt điểm, có lộ trình để tổ chức triển khai.
Tuy nhiên theo bà Thủy, hiện nay việc quản lý Quỹ "Vì người nghèo" và huy động nguồn lực trong các doanh nghiệp là không phải dễ. Bởi vậy, việc lồng ghép, phối hợp để sử dụng nguồn của Chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa thông qua MTTQ Việt Nam là cần thiết.
Cùng với đó, hiện nay các đoàn thể đều có chương trình vận động nguồn lực làm nhà cho người nghèo, MTTQ Việt Nam phải phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì để phân vai, phân rõ trách nhiệm trong việc huy động và xác định rõ đối tượng, cùng với ngành Lao động, thương binh và xã hội của địa phương rà soát tổng thể, phân trách nhiệm, triển khai bài bản, thực chất, sử dụng nguồn lực minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam sớm nghiên cứu, xem xét sửa đổi Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” để phù hợp với tình hình hiện nay và Thông tư 41 của Bộ Tài chính nhằm quản lý nguồn lực chặt chẽ minh bạch, công khai đúng quy trình.