Loay hoay tư vấn tâm lý học đường
Một trong những nội dung được Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội nêu ra, đó là sẽ phát triển các tổ tư vấn học đường trong trường học, thành lập cộng đồng tâm lý học đường để hỗ trợ học sinh.
Cuối tuần qua, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Báo cáo của Đại hội cho hay, nhiệm kỳ VI (2018 - 2023), Hội đã tập hợp các nhà khoa học tâm lý giáo dục, các nhà quản lý trường học tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học tâm lý giáo dục đến giáo viên, học sinh. Các chuyên gia tham gia phản biện xã hội và đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp nhằm tháo gỡ các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy và học; đặc biệt là trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) cho các cơ sở giáo dục nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Cùng với đó, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội đã tích cực liên kết với các trường đại học (ĐH), các viện nghiên cứu và các tổ chức tâm lý giáo dục quốc tế để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hội viên; đổi mới phương thức hoạt động.
Theo kế hoạch, thời gian tới bên cạnh việc phát triển quy mô, tổ chức, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội sẽ phối hợp với Sở GDĐT Hà Nội củng cố, phát triển các tổ tư vấn học đường trong trường học; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 và xây dựng trường học đạt chuẩn. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ tới là sẽ thành lập cộng đồng tâm lý học đường Hà Nội, nhằm tập hợp đội ngũ những người được đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về tâm lý học đường để phát huy hiệu quả công tác tư vấn, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, CLB quản lý trường ngoài công lập Hà Nội, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội đã tổ chức hội thảo tư vấn tâm lý học đường trong trường phổ thông góp phần xây dựng trường học hạnh phúc. Chia sẻ tại đây, ông Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay, từ khi có quyết định của Bộ GDĐT về biên chế tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông toàn quốc, ngành giáo dục Hà Nội đã tích cực triển khai. Tuy nhiên, khi tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý rộng rãi ở các nhà trường thì lại nảy sinh nhiều vấn đề như: Làm thế nào để triển khai bài bản, khoa học? Làm thế nào để có chất lượng, hiệu quả và bền vững, đáp ứng việc xử lý một cách khoa học những vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần nảy sinh trong nhà trường, với học sinh và các thầy, cô giáo để bảo đảm nhà trường an toàn, thầy trò hạnh phúc…
Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù đã được quan tâm nhưng công tác tư vấn tâm lý học đường trong các cơ sở giáo dục vẫn chưa được như kỳ vọng. Sau gần 7 năm triển khai Thông tư 31/2017 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, các phòng tư vấn học đường được thành lập, nhưng hiệu quả hoạt động còn vô cùng mờ nhạt.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, ở nhiều trường học, phòng tư vấn được thành lập nhưng với không gian không đảm bảo, “quá mở”, không đủ tính bảo mật để các con có thể chia sẻ cảm xúc, khúc mắc.
Theo các chuyên gia tâm lý, chức năng của phòng tham vấn học đường đó là nơi giãi bày tâm tư, cảm xúc của học sinh, để tháo gỡ những khúc mắc, mâu thuẫn và làm giàu thêm về đời sống tâm lý, tình cảm. Tuy nhiên, việc đầu tư cho mô hình phòng tư vấn học đường hiện nay còn mang tính tự phát. Tính trên toàn quốc, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay một số tỉnh, thành có đầu tư cho vấn đề này một cách chuyên nghiệp, xét theo bình diện quy chế, chất lượng hoạt động…
Thống kê cho thấy, trong số các trường ở Hà Nội có phòng tư vấn học đường, chỉ có hơn 20 trường tổ chức bài bản, phần lớn đó là trường dân lập và các trường hệ quốc tế, như: Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường liên cấp Đoàn Thị Điểm, Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành...