Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Giải bài toán xung đột mặn - ngọt

Thế Tuấn 23/01/2024 15:37

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do hạn mặn về sớm nên nguy cơ khoảng 56.260ha lúa đông xuân 2023-2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước và 43.300ha cây ăn trái bị ảnh hưởng. Nhiều địa phương và nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đa phải chủ động phòng hạn, mặn dự báo sẽ diễn biến khó lường trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Sau đó, hiện tượng này sẽ giảm từ 60% - 85% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5. Trong khi đó, dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết dòng chảy về ĐBSCL xuống thấp, mặn có thể xuất hiện sớm ở các vùng cửa sông trong và sau Tết Nguyên đán.

Hiện mặn đã tăng trên các cửa sông, lấn vào nội đồng từ 25 - 40 km. Nông dân trong vùng được khuyến khích xuống giống sớm và trữ nước ngọt.

Nhiều năm qua, vấn đề hạn mặn và thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoặt diễn ra ngày một gay gắt hơn ở ĐBSCL. Biến đổi khí hậu cùng với nguồn nước đầu nguồn sông Mekong về ít đã khiến vùng đất phì nhiêu này gặp khó khăn. Giải quyết hiệu quả xung đột mặn - ngọt là vấn đề được tất cả các địa phương vùng ĐBSCL đặt ra. Trong đó, giải pháp công trình với hệ thống cống ngăn mặn, đê bao khép kín được coi là biện pháp tối ưu và lâu dài.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn nước ngọt đóng vai trò quan trọng cho sản xuất, sinh hoạt vùng ĐBSCL nên cần chủ động các giải pháp giảm tác động do ảnh hưởng xâm nhập mặn. Cần đầu tư các công trình đập ngăn mặn, trữ ngọt; kiểm tra duy tu các công trình, hệ thống thủy lợi; đo, quan trắc cập nhật và theo dõi diễn biến xâm nhập mặn đến cơ quan chức năng và người dân nắm bắt kịp thời để có biện pháp phòng chống...

Tuy nhiên, kinh phí đáp ứng cho việc này rất lớn, đó là nút thắt đầu tiên mang tính chất quyết định.

Đáng chú ý, khô hạn và xâm nhập mặn còn đưa tới những hậu quả “nhãn tiền”. Đó là nhiều nơi vấp phải tình trạng nơi cần mặn thì ngọt, nơi cần ngọt lại mặn. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao hài hòa được hai dòng mặn - ngọt vừa ứng phó lại vừa biến nó thành lợi thế cho từng địa phương.

Rất rõ là khi người nuôi tôm (nước mặn) và trồng lúa (nước ngọt) có ruộng kề nhau đã gây ra nhiều thiệt hại, dẫn đến những xung đột gay gắt. Muốn hóa giải, chính quyền địa phương chỉ có thể can thiệp bằng quy hoạch sản xuất phù hợp, hình thành vùng sản xuất rõ ràng: một vụ lúa, một vụ tôm (lúa - tôm), kết hợp phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng phòng hộ.

Nếu không có biện pháp cụ thể, thì sẽ vẫn còn xung đột, ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân trong vùng. Có nơi, nông dân đã phải gửi đơn đến cơ quan chức năng can thiệp trước tình trạng tự ý đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm.

Xung đột mặn - ngọt, hoặc thừa ngọt - thiếu mặn là thực tế ở ĐBSCL cần sớm được giải quyết. Theo đó, để nuôi tôm, cần dẫn nước mặn về đồng nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý, kiểm soát hiệu quả nguồn nước ở những vùng giáp ranh, hạn chế thấp nhất việc nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại cho người dân trong vùng sản xuất lúa.

Việc điều tiết nguồn nước ở ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn mặn là rất cần thiết. Khuyến cáo của các nhà khoa học là đối với các tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa cần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng trên cơ sở quy hoạch chung. Chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm - lúa.

Chỉ có như vậy mới có thể “sống chung” với những biến động khí hậu, để từ đó biến tình trạng xâm nhập mặn thành lợi thế để người nông dân vùng ĐBSCL yên tâm phát triển sản xuất, khi không còn lo phải đối phó với xung đột mặn - ngọt như đã từng diễn ra.

Mà muốn như thế thì chính quyền phải “ra tay”.

Thế Tuấn