Quốc tế

Công nghệ 3D và hy vọng mới trong ghép tạng

Bảo Thư 23/01/2024 15:38

Tuần thứ 3 của tháng đầu năm, tạp chí Forbet đã công bố bình chọn 10 xu hướng có thể cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong năm 2024. Trong đó có công nghệ in 3D.

anhbaiduoi(2).jpg
Ca phẫu thuật cấy ghép tim heo biến đổi gene cho bệnh nhân Lawrence Faucette. Nguồn: ĐẠI HỌC MARYLAND.

Đáng chú ý, theo Forbet, công nghệ này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong lĩnh vực ghép tạng và thay thế các cơ quan bên ngoài. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành về khả năng tồn tại của cơ quan in 3D để cấy ghép bằng cách sử dụng mô sinh học lấy từ cơ thể bệnh nhân. Điều này có thể cung cấp giải pháp cho việc thiếu nội tạng để cấy ghép trên thế giới, cũng như giảm đáng kể chi phí cho loại phẫu thuật này.

Hiểu đơn giản thì mô hình “tim 3D” là một robot sinh học được Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) phát triển. Đó không phải là một trái tim có thể đưa vào cơ thể người nhưng tái hiện hoàn toàn chính xác về mặt giải phẫu trái tim và các mạch máu lớn của bệnh nhân, hoạt động “y như thật”.

Mô hình này giúp thử nhiều loại van tim được thiết kế khác nhau và chọn ra thứ phù hợp nhất để cấy ghép, giải quyết cản trở lớn cho loại phẫu thuật cứu mạng này đó là tim người thường có các khác biệt tinh vi.

Trước đó, một cơ quan hoàn chỉnh của con người, dù chưa phải nội tạng, đã được tạo ra bằng công nghệ in 3D và cấy ghép cho bệnh nhân. Thành tựu này đến từ Viện Dị tạng tai bẩm sinh Microtia (thành phố San Antonio, bang Texas, Mỹ): Một chiếc tai người làm bằng tế bào sụn tai bệnh nhân trộn với mực sinh học gốc collagen, được nuôi trong chiếc “vỏ” phân hủy sinh học cũng được in 3D.

Ngoài hướng đi trên, dùng tế bào gốc của người hay công nghệ gene để biến đổi nội tạng động vật thành một sản phẩm “lai” đủ chuẩn cấy ghép cũng đạt được các bước tiến lớn. Một công bố của Trường Y khoa Đại học Maryland (Mỹ) cho biết, mới đây, ông Lawrence Faucette, 58 tuổi, qua đời sau 6 tuần sống với trái tim heo biến đổi gene được cấy ghép bởi các bác sĩ - nhà khoa học. Đây là người thứ hai được cấy ghép tim trên thế giới và hoàn toàn tỉnh táo chứ không phải người chết não như bệnh nhân đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ có thể coi là bước tiến lớn khi trái tim mới không bị thải ghép.

Cũng chính vì thế, việc mô hình hóa tạng của con người bằng công nghệ 3D đã được cho là hướng đi nhiều đột phá trong việc ghép tạng cũng như sửa chữa lỗi một cách chính xác mà không cần phải thay tạng cho người bệnh.

Bảo Thư