Thị trường bất động sản: Khôi phục bằng các sản phẩm vừa túi tiền
Với những chính sách đã và đang triển khai, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi từ giữa năm 2024.
Nhen nhóm những điểm sáng
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng chia sẻ, những thay đổi liên quan Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 được Quốc hội chính thức thông qua cuối tháng 11/2023 sẽ là bước tiến lớn về chính sách và là một trong những khung pháp lý quan trọng, với nhiều quy định tác động tốt đến thị trường, chủ đầu tư và khách hàng.
Về tình hình BĐS năm 2024, ông Hải dự báo sẽ có hai điểm sáng, một là BĐS công nghiệp vì nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn rất nhiều, giá thuê BĐS công nghiệp đang tăng cao. Thứ hai là nhà ở giá vừa phải, nhà ở xã hội (NƠXH) có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, năm 2024 sẽ có nhiều dự án khởi công. Chính phủ cũng đã giao 130 nghìn căn hộ NƠXH sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS đang trong tiến trình phục hồi. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Đặc biệt, sáng 18/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai năm (sửa đổi). Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu nhiều ý kiến của chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp (DN). Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Để thị trường BĐS phục hồi và phát triển mạnh mẽ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các DN BĐS cần chủ động thực hiện một số giải pháp: Nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.
Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án NOXH, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản. Trong hoạt động đầu tư, các DN phải đảm bảo sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Về giá thành sản phẩm, cần thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.
Cần sự đồng lòng
Nhưng làm sao để phát triển và cung ứng nhiều hơn các sản phẩm vừa túi tiền của người dân trong khi các sản phẩm này đang dần biến mất trên thị trường?
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân (dưới 25 triệu/m2) trên tổng nguồn cung nhà ở liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 7% năm 2022 và 6% vào năm 2023. Đại diện lãnh đạo VARS tin rằng, nếu cả hệ thống thị trường cùng chung tay, nỗ lực, các chính sách về nhà ở theo hướng kinh tế thị trường, loại hình nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển.
Để phát triển nhà ở vừa túi tiền phần đông người dân, song song với NOXH, theo VARS, Nhà nước cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà ở vừa túi tiền với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nguồn cung phân khúc này, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cận trung bình.
Bao gồm các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng sức mua hay tăng mức thuế đối với căn nhà thứ hai, thứ ba để giảm động lực đầu cơ và tiền thuế có thể được quay vòng về hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu thực sự. Hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc phát triển, vận hành các dự án hạ tầng xã hội...
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực kiến nghị, cần đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án BĐS; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; quy định phân nhóm phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp; có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính BĐS chuyên biệt: Quỹ tiết kiệm nhà ở/quỹ phát triến NOXH, quỹ REITs, Cơ quan tái tài trợ BĐS thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa BĐS; có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp; thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch BĐS…