Phát triển đại học đa ngành: Theo xu thế hay chất lượng?
Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học dự kiến mở thêm các ngành học mới dù không phải thế mạnh. Đây là chiến lược của các trường để phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Xu hướng đa ngành
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh 4.130 chỉ tiêu cho cả trụ sở chính và hai cơ sở TP HCM, Quảng Ninh, cao hơn năm ngoái 30 chỉ tiêu.
Trong thông báo tuyển sinh, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến mở ngành Khoa học máy tính và bắt đầu tuyển sinh ngành Kinh doanh quốc tế thuộc chương trình song bằng với Đại học Queensland, Australia, tại Hà Nội.
Năm nay, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó, có 4 ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Cả 4 ngành đều đào tạo hai hệ cử nhân và kỹ sư, chỉ tiêu dự kiến 50-100 mỗi ngành.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trường đã có sự chuẩn bị từ sớm và có chiến lược trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã mở ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính từ nhiều năm nay. Theo ông Triệu, để phù hợp với mục tiêu và thời đại công nghệ số, việc phát triển thêm một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của trường.
Tương tự, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM dự kiến mở ngành: Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ thông tin; Trường Đại học Kinh tế TPHCM cũng tuyển sinh ngành: Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics; Học viện Ngân hàng tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin…
Cần chuẩn bị từng bước
Thông tin các trường mở ngành đào tạo mới không phải là thế mạnh đang dấy lên những lo ngại về chất lượng đào tạo.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc các trường đại học chuyên ngành dần phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực là xu hướng tất yếu.
Theo TS Lê Viết Khuyến, khi chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, các trường đào tạo chuyên ngành muốn tồn tại thì cần phát triển trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Mặt khác, ở các trường đào tạo chuyên ngành, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng tốt ở lĩnh vực chuyên ngành. Còn ở đại học đa ngành, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn.
“Đây là hai lý do vì sao nên khuyến khích các trường đại học phát triển thành đại học đa ngành”, TS Khuyến phân tích.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, các trường đào tạo chuyên ngành muốn phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực cần phải có lộ trình chuẩn bị chu đáo từng bước về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chứ không thể chạy theo xu thế.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ GDĐT cần rõ ràng, nghiêm khắc và kiểm soát chặt chẽ việc này, nếu chạy theo xu thế đa ngành sẽ có thể dẫn sản phẩm đầu ra kém chất lượng.