Hiến kế phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới
Ngày 23/1, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tham vấn cho Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch,…
Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới do Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Cục Du lịch quốc gia) xây dựng.
Mục tiêu của Đề án là xác định được định hướng quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch hàng đầu cả nước, là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế có thương hiệu mạnh trên toàn cầu.
Đề án được xây dựng tập trung với các nội dung chính: Nghiên cứu các điều kiện về trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế; Đánh giá thực trạng và khả năng đáp ứng các điều kiện để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế; Đề xuất các định hướng, giải pháp để xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đề án, Quảng Ninh về cơ bản đã đáp ứng được một phần của trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Trong đó, có 2 điều kiện đã đáp ứng được là: Vị trí địa lý, địa kinh tế, chính trị, đối ngoại thuận lợi cho việc kết nối khu vực và quốc tế; môi trường chính trị - xã hội, an ninh đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân địa phương. 3 điều kiện cơ bản đã đáp ứng được là: Giao thông phát triển hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng kết nối giao thông đến nhiều điểm đến quốc tế, đặc biệt là kết nối hàng không; đóng góp của du lịch vào GRDP chiếm tối thiểu 10%; bảo vệ môi trường tự nhiên gắn với phát triển bền vững kinh tế xã hội. Còn 6 điều kiện về cơ chế chính sách, phạm vi, điểm đến, hạ tầng lưu trú… thì Quảng Ninh chỉ mới đáp ứng được một phần và có 1 điều kiện chưa đáp ứng được.
Đề án cũng đưa ra các giải pháp để phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới, như: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi chính sách; ưu tiên đẩy mạnh thu hút đầu tư du lịch; liên kết hợp tác phát triển du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá điểm đến và marketing toàn diện; xây dựng, định vị thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; tạo dựng môi trường điểm đến văn minh, đồng bộ;...
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với Đề án và tập trung làm rõ các điều kiện thuận lợi, những khó khăn, thách thức, tính khả thi của Đề án, từ đó thảo luận về cách thức để hiện thực hóa Đề án. Các ý kiến tập trung vào việc xác định những điểm nghẽn, rào cản của du lịch Quảng Ninh hiện nay; bám sát các nghị quyết về du lịch của Trung ương, của tỉnh; nguồn lực thực hiện Đề án; nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối về đường hàng không giữa các thị trường khu vực và quốc tế… Những ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ góp phần hoàn thiện Đề án với chất lượng tốt nhất.