Nâng hạng thị trường chứng khoán
Việc hoàn thiện tiêu chí để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Nhận diện điểm nghẽn
Nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Nghị quyết 86 ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, yêu cầu: Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá chung của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới. Đó là yêu cầu ký quỹ - có tiền trước khi giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cũng đề cập đến sự quan trọng của 2 tiêu chí trên trong nâng hạng TTCK Việt Nam, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, hiện, các cơ quan chức năng đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể bảo đảm thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel (tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu) và MSCI (Công ty tài chính uy tín Mỹ).
Cũng theo báo cáo của SSI, nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam. Trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều. Tuy nhiên, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện
Tại buổi họp báo thường kỳ quý IV/2023 của Bộ Tài chính tổ chức vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khi nói về vấn đề nâng hạng TTCK cho biết, Bộ Tài chính vừa có cuộc họp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đơn vị chủ trì triển khai công việc rà soát lại lần cuối các điều kiện để TTCK được nâng hạng, để đạt được điều kiện đó cần triển khai các công việc gì tiếp theo, các công việc đó có phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định pháp luật hay không và ở các văn bản nào để chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền sớm xem xét giải quyết.
Ông Chi nhấn mạnh, các hoạt động mới của thị trường ở thứ hạng mới có thể có những rủi ro, do đó cần tính toán hết các rủi ro, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cả về quy định pháp luật lẫn giải pháp kỹ thuật để quản trị rủi ro, đảm bảo TTCK vận hành an toàn. Đây là yêu cầu cao nhất đối với TTCK đã được Bộ Tài chính chỉ đạo. Tuy nhiên, quyết định nâng hạng TTCK không nằm trong tay cơ quan thẩm quyền của Việt Nam mà phụ thuộc các tổ chức nâng hạng của nước ngoài, do đó sẽ không nói được về thời điểm cụ thể. Chúng ta chỉ có thể phấn đấu để TTCK có đủ các điều kiện theo thông lệ, đồng thời có sự phối hợp với các cơ quan tổ chức có trách nhiệm trong nâng hạng để đưa TTCK Việt Nam bước sang giai đoạn mới.
Trong khi đó, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương khẳng định, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho TTCK bao gồm thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp; cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ; gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới.
"Từ đó có ảnh hưởng tích cực đến tính thanh khoản của TTCK và sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty" - bà Phương cho biết.