Cuộc giải cứu bất thành
Sau 5 năm tham gia cuộc giải cứu hai mẹ con voọc chà vá chân xám được Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam xếp vào danh mục cực kỳ nguy cấp, nguy cơ tuyệt chủng ở mức CR tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào tháng 2/2017; tôi vẫn còn ám ảnh về cuộc giải cứu bất thành…
Sau nhiều nỗ lực kết nối, những ngày cuối cùng của năm 2023, tôi được ông Trương Ngọc Đăng - Trưởng phòng kỹ thuật Thảo cầm viên Sài Gòn cung cấp bức ảnh về một trong hai cá thể voọc chà vá chân xám (tên khoa học: Pygathrix cinerea) còn sống sót “hòa nhập” bầy đàn sau song sắt và sinh con. Ông Đăng coi đó là tin vui nhưng nhìn gia đình gồm bốn cá thể voọc chà vá chân xám bên nhau, trong lưới sắt, tôi vẫn khó nguôi ám ảnh về cuộc giải cứu rơi nước mắt nhưng bất thành.
Chiều muộn ngày 26/2/2017, nhận được tin chủ ga ra ô tô ở đường Lê Duẩn, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mua hai cá thể voọc chà vá chân xám với mục đích nhân đạo là thả chúng về lại với rừng, tôi cùng anh Thái Hồng Kỳ và anh Trần Dự Đáo (nguyên là lãnh đạo ngành điện lực ở miền Trung), tức tốc lái xe vượt gần 500 km từ Đà Nẵng đến Tuy Hòa. Đập vào mắt tôi vào sáng sớm ngày 27/2 là cảnh mẹ con voọc chà vá chân xám bị xích chặt vào thân cây.
Ông Nguyễn Quang Đăng, chủ ga ra cho biết, mẹ con voọc chà vá chân xám được ông mua từ một người dân đưa từ rừng xuống bán cho quán nhậu. Dùng dây xích sắt để xích voọc vào thân cây là cách duy nhất để ông Nguyễn Quang Đăng giữ hai mẹ con voọc chà vá chân xám. Nếu thoát ra ngoài chúng có thể sẽ tiếp tục bị vây bắt ở khu dân cư hoặc gặp tai nạn giao thông trên đường phố.
Trong lúc anh Thái Hồng Kỳ và anh Trần Dự Đáo trao đổi với chuyên gia linh trưởng về thức ăn phù hợp cho hai mẹ con voọc chà vá chân xám sau khi bị bẫy bắt và bỏ đói, tôi liên hệ với ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị ông cử cán bộ Kiểm lâm đến hiện trường với mục đích hoàn thành nhanh nhất các thủ tục cần thiết để bàn giao chúng cho tổ chức cứu hộ chuyên nghiệp.
Cả ngày hôm ấy, nhóm chúng tôi vừa cung cấp thức ăn phù hợp cho mẹ con voọc vừa tìm cách mọi cách làm cho chúng vơi đi hoảng loạn. Như hiểu được mục đích thân thiện của chúng tôi, mẹ con voọc chà vá chân xám không vẫy vùng nhiều mà ngồi ôm nhau không rời trên cành cây.
Rất nhiều lần voọc mẹ rời con, sà xuống cào cào lên chiếc mũ tôi đội trên đầu và chỉ vào sợi xích đang siết chặt cánh tay voọc con như khẩn cầu giải thoát. Tình mẫu tử của loài linh trưởng tiến hóa bậc cao gây xúc động cả với những người thợ ở ga ra ô tô khiến họ bỏ cả bữa trưa, cùng chúng tôi dõi theo từng cử chỉ của mẹ con voọc. Khi sợi dây xích được tháo khỏi tay voọc con, nó nhảy đến ôm chặt anh Thái Hồng Kỳ không khác gì đứa trẻ lên ba. Voọc mẹ tay vẫn bị xích, ngồi trên cây dõi theo voọc con được Thái Hồng Kỳ bế dạo quanh sân bằng cái nhìn không còn lo lắng.
Voọc chà vá chân xám thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng
nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính
phủ; phân bố tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai. Một công bố
khảo sát năm 1997 thể hiện, voọc chà vá chân xám trong tự nhiên dao động từ
2.200 - 2.550 cá thể. Tuy nhiên đến năm 2016, voọc chà vá chân xám tại các khu
vực nói trên chỉ còn từ 500 - 700 cá thể.
Do có cán bộ Kiểm lâm TP Tuy Hòa túc trực đảm bảo an toàn cho mẹ con voọc chà vá chân xám nên đêm đó nhóm chúng tôi tạm rời khỏi ga ra. Tuy nhiên sáng sớm ngày 28/2 khi quay trở lại, tôi hoàn toàn bất ngờ khi gặp chiếc ô tô 12 chỗ cùng người của Thảo cầm viên Sài Gòn. Thay vì liên hệ với các Trung tâm cứu hộ chuyên nghiệp, trả động vật hoang dã bị bẫy bắt trở lại với môi trường thiên nhiên hoang dã, ai đó ngoài nhóm chúng tôi đã kết nối với Thảo cầm viên Sài Gòn.
Đau lòng hơn, là voọc chà vá chân xám con đã chết.
Những người thợ của ga ra ô tô kể lại, khoảng 4 giờ sáng, họ thức giấc khi nghe tiếng sột soạt và tiếng khục khặc liên hồi từ voọc mẹ. Voọc mẹ ôm voọc con trên tay, hôn không ngừng lên mặt nó rồi nghẹ nhàng đặt xuống. Chỉ khi chứng kiến voọc mẹ kéo tấm bìa lót trong lồng sắt phủ lên voọc con rồi liên tục lấy tay lau nước mắt, mọi người mới sững sờ biết rằng, voọc con đã chết! Sáng cùng ngày, Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa đã hoàn tất các thủ tục cần thiết đưa hai cá thể voọc chà vá chân xám (gồm voọc mẹ còn sống và voọc con đã chết) về Thảo cầm viên Sài Gòn.
Xe đưa mẹ con voọc chà vá chân xám chầm chậm rời TP Tuy Hòa khi chiều vừa tắt nắng. Trước khi qua cầu Đà Rằng, chủ ga ra ô tô và nhóm chúng tôi được ông Trương Ngọc Đăng mở cửa xe để tiễn biệt mẹ con voọc chà vá chân xám. Đứng trong lồng sắt với 2 cánh tay bị dang rộng, trói chặt, voọc chà vá chân xám mẹ thẫn thờ nhìn nhóm người tiễn đưa. Cả nó và chúng tôi cùng như muốn níu kéo điều gì đó nhưng bất lực. Chiếc xe chầm chậm rời đi.
Những ngày sau đó, qua điện thoại tôi được ông Trương Ngọc Đăng cho biết, voọc chà vá chân xám mẹ về Thảo cầm viên Sài Gòn được cách ly, chăm sóc đặc biệt, tuy nhiên tâm lý vẫn rất… buồn. Voọc chà vá con (đã chết) được lột da, làm tiêu bản trưng bày. Đây là lần đầu tiên Thảo cầm viên Sài Gòn “cứu hộ” voọc chà vá chân xám. Việc đưa voọc chà vá chân xám trở về với sinh cảnh sống tự nhiên tại nơi chúng bị bẫy bắt theo ông Trương Ngọc Đăng là không thể vì sẽ xảy ra xung đột với quần thể bầy đàn.
Tham khảo ý kiến của TS Hà Thăng Long - Trưởng Đại diện Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam, Chủ tịch sáng lập tổ chức Green Việt - ông Long khẳng định, mục tiêu của cứu hộ động vật hoang dã là đưa chúng trở lại với sinh cảnh rừng nơi chúng sinh ra. Với tư cách nhà khoa học chuyên về tập tính sinh thái học của các loài linh trưởng, TS Hà Thăng Long đưa ra khuyến cáo:
Quá trình cứu hộ linh trưởng nói chung và voọc chà vá chân xám nói riêng, cần có thiết bị vận chuyển đặc biệt bởi những tác động từ con người dễ gây thêm căng thẳng, ức chế. Khi cá thể linh trưởng có biểu hiện linh hoạt sau sơ cứu, cần làm thủ tục bàn giao ngay cho tổ chức cứu hộ chuyên nghiệp để chăm sóc y tế, dinh dưỡng phục hồi thể trạng, huấn luyện để trở lại với môi trường, sinh cảnh sống, tập tính bầy đàn trước khi trả chúng về với tự nhiên. Nếu để chúng chết, hoạt động và thủ tục cứu hộ sẽ không còn ý nghĩa.
Khuyến cáo từ chuyên gia linh trưởng Hà Thăng Long, đáng tiếc là không được áp dụng trong quá trình cứu hộ hai cá thể voọc chà vá chân xám (một mẹ, một con) tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào ngày 26 và 27/2/2017.
Cuộc giải cứu bất thành sẽ còn đeo đẳng, ám ảnh những người chứng kiến bởi động vật hoang dã, nhất là loài linh trưởng tiến hóa, cũng có xúc cảm gần giống con người. Gia đình voọc chà vá chân xám trong lồng sắt ở Thảo cầm viên Sài Gòn cũng có quyền mơ giấc mơ khó thành hiện thực, về với rừng xanh, hoang dã đại ngàn.