Tinh hoa Việt

Nhà văn Nguyễn Trí: Viết trước hết để trang trải tâm hồn

NGUYỄN THANH BÌNH (thực hiện) 24/01/2024 13:56

Trước khi bước vào nghề văn, Nguyễn Trí từng trải qua đủ thứ nghề để mưu sinh: Nghề nấu rượu, nghề nhảy tàu, nghề đồ tể, nghề đi tìm vàng, khai thác đá quý, trầm hương, nghề chặt củi, đốt than, xe ôm, dạy học…

Sự từng trải cho ông một vốn sống để khi viết văn, những cuốn sách của Nguyễn Trí đủ làm nên sự khác biệt trên văn đàn. Những cuốn sách ấy cũng giúp ông có một chỗ đứng riêng biệt, không lẫn. Viết và viết. Có cuốn rơi tõm vào thinh không, nhưng cũng có cuốn sách gây lên tiếng vang, đưa Nguyễn Trí đến với giải thưởng văn chương uy tín.

“Nhiều truyện đạt Nobel cũng xêm xêm cỡ… tôi ”

PV: Thưa nhà văn, trong quan sát của ông, đời sống văn học trong năm qua thế nào?

379633170_1375895066606109_2567458736109774425_n.jpg
Nhà văn Nguyễn Trí.

Nhà văn NGUYỄN TRÍ: Tôi sống ở tỉnh lẻ, theo dõi đời sống văn học chủ yếu qua mạng xã hội nên tầm nhìn chắc chắn có nhiều hạn chế. Tôi xin nói về văn học trong nước. Một số những trang văn học chủ yếu là truyện ngắn, tản văn, bút ký do các nhà văn cầm trịch đã khiến cho đời sống văn học mạng khá khởi sắc. Tôi đã đọc được ở những trang mạng ấy những truyện ngắn, những tản văn, bút ký rất hay… mang dấu ấn lớn chứ không ngâm hoa ngợi nguyệt như… tôi chẳng hạn. Tuần nào tôi cũng đọc vài truyện ngắn trên hai tờ báo tôi yêu thích. Tôi vui vì văn chương Việt ta “ngon lành cành đào” cùng năm châu bốn biển. Thật đấy! Tôi đọc một loạt các tuyển truyện của các nhà văn đạt Nobel. Nhiều truyện cũng xêm xêm cỡ… tôi chứ chả hơn. Có truyện cũng nhạt bỏ xừ.

Nếu kể tên 1 hoặc 10 cuốn sách văn học đáng đọc nhất trong năm 2023, nhà văn Nguyễn Trí sẽ nói gì?

- Trên có nói tôi tỉnh lẻ nên tiếp cận sách mới hơi khó. Lâu lâu lên thành phố nghe nói cuốn đó cuốn kia hay tôi cũng ghé hiệu sách tìm đọc. Tôi hay đọc chùng vài trang nếu hợp tạng thì mua còn không thì thôi, nên chi, không nhiều lắm cái sự đọc, đâu chừng vài mươi cuốn chứ không hơn.

Trong vài mươi nếu để chọn tôi thích “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” của Nguyễn Một. Đọc xong tôi "phán" trên Facebook của mình rằng cuốn nầy xứng đáng được giải Hội Nhà văn Việt Nam năm nay. Và nó đã được. “Anh hùng còn chi” của Nguyễn Huy Thiệp. “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” của Hồ Anh Thái. “Trôi” của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi mê đắm văn phong Nguyễn Việt Hà nên rất thích “Tuyệt không dấu vết” của ông ấy. Tôi cũng rất kính trọng nhà văn trẻ Lê Quan Trạng với “Cá Linh đi học”…

Văn học dịch tôi mê cuốn “Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm” của Lê Thị Diễm Thúy… một cuốn sách để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Ấn tượng nhất là niềm đau nỗi khổ của riêng ta chả là gì so với tha nhân… “Bốn ngọn gió” của Kristin Hannah cũng tuyệt hay…

Vâng, ngoài những điều ông vừa “điểm danh” ở trên thì không thể không nhắc tới Cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023. Một cuộc thi thu hút nhiều nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước. Đáng kể nhất, hình như lần đầu ở Việt Nam có một giải thưởng văn chương mà giá trị hiện kim to như thế, giải nhất cho tiểu thuyết lên tới 300 triệu đồng?

- Giá trị giải thưởng rất lớn và đề tài khá rộng nên cuộc thi thật sự hấp dẫn. Tôi cho rằng, với đề tài và giá trị giải thưởng đã khơi dậy tiềm năng đọc sách trong thế hệ tuổi nhỏ và tuổi trẻ, từ giới cần lao đến thành phần đang trên ghế nhà trường và giảng đường.

Đánh thức những người đã từng lấy văn hóa đọc sách là thú vui tao nhã đầy trí tuệ nhưng – không nhiều thì ít – đang ảnh hưởng bởi văn hóa nghe và nhìn của văn minh mạng làm quên đi sự đọc sách – sách giấy. Chính giá trị của giải thưởng đã khơi dậy - ít nhất là với tôi - phải vừa Đi vừa Đọc.

Không đi để tiếp cận và không đọc để xem những tác giả khác viết gì, nghĩ gì về giai cấp công nhân là không thấu tình bởi, không thể ngồi trong phòng khách với máy lạnh, xem tivi hay laptop, Iphone mà có thể thấu hiểu, tâm tư tình cảm của người công nhân nghĩ gì khi, đang lao động trong nhà máy hoặc công trường.

403962643_1272107267080259_6944472279275671831_n.jpg
Cuốn tiểu thuyết “Hoa xương rồng” vừa ra mắt độc giả đầu năm 2024.

Khi biết tin mình được trao giải nhất cho tiểu thuyết “Hoa xương rồng”, ông đang ở đâu, đang làm gì?

- Tôi chỉ biết mình có giải và giải có số chứ không hề biết mình được giải Nhất. Tôi mơ một giải Ba. Giải Ba là hạnh phúc rồi. Lúc nghe tin báo có giải tôi đang ở nhà vẫn viết như thường lệ.

Nhà văn Nguyễn Trí sinh năm 1956 tại Bình Định, hiện sống tại Đồng Nai. Ông đã trải qua những biến cố cuộc đời và làm nhiều nghề khác nhau trong đó có thời gian dạy học. Những vốn sống quý báu đó giúp ông viết báo, truyện ngắn, tiểu thuyết. Năm 2013, Nguyễn Trí được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam về văn xuôi cho tác phẩm “Bãi vàng, đá quý, trầm hương”. Năm 2023, ông đoạt giải Nhất (hạng mục tiểu thuyết) trong cuộc thi Cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023 với tác phẩm “Hoa xương rồng”.
Nhà văn Nguyễn Trí là được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. Ông là tác giả của các tập: Ăn bay, Ảo và sợ, Bụi đời & thục nữ, Mạt cưa - Rượu trắng - Đường vàng, Thiên đường ảo vọng, Trí Khùng tự truyện; Bãi vàng, đá quý, trầm hương; Tuổi thơ không có cánh diều…

Ông có bất ngờ không?

- Giải Nhất là một bất ngờ lớn với tôi. (Cười)

Ông viết “Hoa xương rồng” trong bao lâu?

- Khi báo chí đăng tin về cuộc thi thì tôi bắt đầu viết. Tôi may mắn có 2 năm là công nhân cho một công ty người Việt làm chủ và 3 năm 6 tháng cho một công ty nước ngoài. Trước đó tôi là thợ hồ. Tôi gói 10 năm thợ và 5 năm rưỡi công nhân vào 70 nghìn chữ. Mỗi đêm, từ 2 đến 5 giờ sáng tôi viết 2.000 chữ có khi hơn. Sau trên dưới 1 tháng viết như vậy, tôi hoàn tất và sửa chữa chừng 3 tháng…

“Tôi từng ngồi trong bóng tối và nhìn vào bóng tối”

Khi lên nhận giải, ông có xúc động kể rằng, tiểu thuyết “Hoa xương rồng” được viết ra với rất nhiều sự thật từ chính gia đình ông. Điều đó có đúng không? Ông có thể chia sẻ thêm điều này với bạn đọc Tinh hoa Việt?

- “Hoa xương rồng” viết nhanh là bởi nó xuất phát từ gia đình tôi. Tôi - so với những nhân vật trong “Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm” của Lê Thị Diễm Thúy - thì chả là gì, nhưng ai mà chả có nỗi đau riêng. Nỗi đau của ta luôn lớn hơn thậm chí lớn nhất… và tôi khiến cho cái của tôi sáng lên theo kiểu của riêng mình như ông vua truyện ngắn Sê Khốp đã nói, tôi chỉ là một con chó nhỏ trong bầy chó nhưng có giọng sủa riêng của mình…

Tôi nhớ, khi nhận giải thưởng, ông đã tâm sự: “Tôi viết tác phẩm này dựa trên chính cuộc đời mình. Mọi diễn biến, biến cố, những đau khổ, thăng trầm trong tác phẩm chính là cuộc đời tôi, gia đình tôi. Nhân vật chính Năm Thao là tôi - người đã bị tai nạn nằm viện, người đã làm đủ nghề để mưu sinh, cực khổ.

Vợ tôi - là bà Năm Thao, người đã phải đi vay tiền xã hội đen để lo cho chồng. Con gái tôi - nhân vật Hương, phải bỏ học sớm để phụ giúp kinh tế cho bố mẹ... Tác phẩm này, tôi viết rất nhanh, tất cả chữ nghĩa cứ thế chảy tràn ra, chỉ mất 35 ngày để hoàn tất. Vốn sống đã có sẵn, tôi chỉ cần sắp xếp lại và viết ra. Mỗi tình tiết, mỗi con chữ đều đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt của cả cuộc đời”…

- Vâng. Cuốn này tôi viết về chuyện gia đình mình. Tháng 10/2009, con gái tôi là Nguyễn Thanh Tuyền khi ấy 20 tuổi đã bị giết hại trong một vụ xô xát ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Kẻ giết người là Nguyễn Thị Thùy Trang (17 tuổi). Bị thương sau vụ xô xát, khi được chuyển đến bệnh viện, Trang mới biết mình đã mang thai 2 tháng. Trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, vợ tôi đã bế con gái của Thùy Trang lúc này được 4 tháng tuổi. Tại cả hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, vợ chồng tôi đã lặn lội hơn 80 km đến dự tòa để xin giảm án cho bị cáo.

Tại tòa, tôi đã nói: “Xin tòa xem xét cho Trang ở một khía cạnh khác mà giảm án cho cháu nó. Nó sinh ra trong một gia đình nghèo, cha đã có vợ nhỏ nên cũng bỏ bê chuyện giáo dục con cái. Chỉ được học đến lớp 8 nó đã phải nghỉ để đi làm thì sự giáo dục từ nhà trường cũng đã trôi tuột hết rồi. Còn mẹ nó phải thức từ 1 giờ sáng để làm gà mang bỏ mối cho người ta, em trai chỉ học lớp 3 cũng phải dậy từ 5 giờ sáng để làm việc... Đáng thương hơn, con gái của nó phải nhìn đời sau song sắt như thế thì làm sao có thể phát triển như bao đứa trẻ khác?"

Ông không ngại khi kể chuyện gia đình?

- Tôi là người thành thật. Gia đình tôi có tốt có xấu. Bản thân tôi cũng tham sân si hỉ nộ ái ố, thiên hạ cũng vậy thì có chi phải ngại. Tôi viết ra, cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Viết văn có lẽ là mối duyên trời định, văn học giúp tôi nhìn lại, xoa dịu đi nỗi đau ẩn sâu. Tôi dựa vào văn chương, dựa vào tình cảm gia đình, dựa vào vợ tôi để đứng dậy, bước tiếp.

Nhưng tôi nghĩ, một ứng xử nhân văn như vậy rất cần được kể lại một cách trung thực. Và hỏi thật, vào cái giây phút nói với Tòa án để giảm án cho người đã gây ra nỗi đau lớn nhất của một người cha, hẳn ông đã phải đắn đo, cân nhắc?

- Tôi từng ngồi trong bóng tối và nhìn vào bóng tối. Anh biết trong bóng tối nhìn bóng tối là ở đâu không? Là trong hầm ngầm của biệt giam. Thời trẻ tôi cũng ba láp ba xàm nên biết lắm thế giới của bóng tối.

Một con bé 17 tuổi ôm con dại trong trại giam đáng để người lớn tha thứ - vì rằng - cố chấp cũng không lấy lại được cái đã mất. Kinh Thánh Cựu Uớc viết rằng Adam và Eva sau khi ra khỏi vườn Eden cả hai sinh được hai người con là A-bel và Ca-in. Ca-in giết A-bel vì bất mãn với sự bất công của Thượng đế… Thế giới lúc ấy chỉ có bốn người và máu thịt đã giết nhau…

Thôi… Tôi buông… Như đã nói, tôi đã từng trong bóng tối nên biết lắm “có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian nầy cũng không…” (Cười).

Đời đẹp hơn khi ta có bến đỗ

Giờ thì xin hỏi ông, chất liệu từ hiện thực đời sống hôm nay có ý nghĩa như thế nào với một người viết văn như ông?

- Cám ơn tạo hóa đã cho tôi hưởng và biết thế nào là những bĩ cực của hiện thực. Không từng qua ắt tôi chả có cái của hôm nay.

Ở tuổi này, khi đã viết hàng chục cuốn truyện ngắn và tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, ông quan niệm về nghề văn như thế nào?

Nỗi đau đã bắt tôi cầm
bút và viết về những nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời mình.

NHÀ VĂN NGUYỄN TRÍ

- Viết - trước hết - trang trải tâm hồn, làm cho người viết nhẹ nhàng hơn những tâm sự mà không biết giãi bày cùng ai. Và - văn chương - với tôi luôn hướng con người vào nẻo thiện. Tác phẩm của tôi, tất cả các nhân vật từ giang hồ cho đến tứ chiếng đều được dẫn đến nơi bình yên chim hót. Đời đẹp hơn khi ta có bến đỗ.

Quan niệm này có khác gì khi ông mới cầm bút viết văn?

- Lúc mới cầm bút tôi viết cho tan nỗi buồn chứ không nghĩ chi. Quan điểm riêng về văn chương chỉ đến khi những truyện ngắn đầu tiên của tôi mang ra quán cà phê đọc cho bè bạn bụi đời nghe. Họ nghe rồi góp ý… tôi theo ý của bạn và khi truyện in báo tôi mới dựng quan điểm riêng của mình.

Ông thường viết văn khi nào?

- Tôi ngủ lúc 7 giờ và thức lúc 1 giờ. Bắt đầu công việc lúc 2 giờ sau khi đọc vài truyện ngắn trên các trang mạng để dẫn mạch cho ý của mình.

Với ông, giải thưởng văn học có ý nghĩa gì?

- Tiếng tăm và giá trị vật chất khiến ta biết ta có một giá trị nào đó. Nó khiến tác giả có trách nhiệm với ngọn bút của mình hơn. Với một tác giả bình thường thì, cái sau phải hay hơn cái trước. Người có giải thưởng muốn tồn tại phải trách nhiệm nhiều hơn.

Trong văn chương, ai là người có ảnh hưởng đối với ông? Hay nói cách khác, ông có hay không một thần tượng trong văn chương?

- Tôi mê Mario Fuzo, tác giả của “Bố già”. Tôi có đủ các tác phẩm của tác gia này. Tôi cũng mê lắm Gabriel García Márquez của “Trăm năm cô đơn”. Tôi đọc tác phẩm này thiếu cái thuộc lòng… Nhưng tôi không ảnh hưởng ai cả. Tôi là con chó nhỏ có giọng sủa riêng của mình. Nhà văn Y Ban đọc “Hoa xương rồng” khi còn trong bản dự thi đã nói “ngửi ra mùi Nguyễn Trí”.

Ông có thể chia sẻ, vì sao “Hoa xương rồng” được giải cao nhất, nhưng tác giả lại phải tự in, tự bán sách? Hỏi thật, ông in hết bao nhiêu tiền?

- Tôi không biết vì sao. In hết bao nhiêu tiền à? Không nói được bạn ơi (Cười).

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Trí!

“Ở đời chẳng có gì khó, chỉ cần có một tấm lòng…”
Nói về một đoạn đời đã qua, nhà văn Nguyễn Trí kể: Tôi thu nhập bằng nghề làm mướn. Đứa con trai út và Thanh Tuyền làm công ty, bà xã tôi chăm sóc đứa cháu nội. Nếu không vì sự sa đọa của thằng lớn, thì sự thoát nghèo của gia đình tôi chỉ một sớm một chiều. Ánh sáng vừa le lói cuối đường hầm thì bóng ma ma túy đổ ập hiểm họa vào nhà tôi, làm đảo lộn trật tự, tất cả rối tung lên.
Cộng thêm nữa là tinh thần suy sụp và vật chất đội nón ra đi trước sự xảo quyệt của ma túy.
Hành vi của nó làm tôi sau những cơn giận điên cuồng chỉ còn
biết thở dài. Vợ tôi bảo: “Thở dài cái gì? Đi kiếm nó về nhỏ nhẹ với nó, khuyên răn nó bỏ. Ông có tật cứ hở là chửi bới, nhiếc móc. Bây giờ nó đã nặng rồi có chửi cũng vô ích. Phải đem con của nó ra làm bình phong để nó có ý chí mà bỏ.
Còn không, nay mai mình phải đi hầu tòa vì nếu không ăn cướp thì nó cũng giết người. Ông đọc báo thấy rõ quá mà.

Thằng con về nhà. “Cứu con với ba ơi”. Nhìn nó thiếu thuốc
lên cơn, tôi không biết phải làm gì. Nén cơn giận đang ứ trong lòng, tôi đấm lưng, vợ tôi xoa tay, bóp chân. Tôi nói: “Phải ráng đi, phải bỏ. Còn không con sẽ chết. Mày còn con, vợ lại sắp sanh”. Ấy thế mà con ma túy mới ác độc làm sao. Đang nằm than thở vì có hàng ngàn con dòi đang đục trong xương, nó vùng dậy chạy ra nhà vệ sinh. Đang trong nhà vệ sinh, nó ra bồn nước ói mửa. Rồi tắm. Nó cứ xối nước vào người một ngày không biết bao nhiêu bận. Hiếm hoi lắm mới thấy nó tỉnh táo nhìn tôi: “Chắc con chết quá ba ơi”.
Bên vợ tôi, dân thuốc nam chuyên nghiệp, cũng sắc từng chén
thuốc để nó an thần, qua cơn. Nhưng tất cả như muối đem bỏ biển. Cuối cùng, vợ chồng tôi đành phải nhờ công an huyện đưa nó đi Xuân Phú theo Nghị định 24. Chỉ thế mới còn cơ may…
Gia cảnh khó khăn, cháu nội cần sữa, giờ lại thêm tiết mục thăm nuôi nên tôi phải nhận lời trông coi đìa tôm để kiếm thu nhập. Tôi vào đồng không mông quạnh nhờ rượu để xua đi nỗi buồn. Ban ngày tôi làm ở công ty, tối xách đèn pin đi dạo trên khu đất 7,8 ha cả chục cái đìa tôm. Cũng may, công việc và rượu đã làm đau đớn trong tôi dần dần lắng dịu.
Buổi chiều của đêm định mệnh ấy, tôi ghé qua nhà thăm con
gái. Mới lãnh lương, tôi móc ít tiền đưa cho con, nó nói: “Con vào đìa tôm với ba, tối nay con ngủ với má nghen”. Tôi bảo: “ Ừ, hổm rày má đau chân dữ lắm. Với lại ở trong đìa buồn lắm, tội nghiệp má”. Thế rồi không hiểu sao con gái tôi không đi.
8 giờ 30, ngoài trời mưa như trút. Tin báo qua điện thoại: “Tuyền bị giết chết”. Chết sững người, tôi, vợ và con gái lớn chạy tới bệnh viện. Mưa càng dữ dội. Đã vậy, hộp điện ngoài Long Bình bị hư hại gì đó khiến cả khu vực Long Thành ngập trong bóng tối. Ở bệnh viện lập lòe đèn pin và đèn từ điện thoại.
Tôi ngồi yên trước cửa bệnh viện. Bác sĩ gọi vào nói: “Con ông đã mất trước khi đến đây. Chúng tôi đã đưa vào nhà xác. Phải đợi pháp y vào làm việc ông mới được đưa con về. Vụ này mang tính hình sự”. 2 giờ sáng, tôi nghe nói Thùy Trang đã bị bắt và mấy đứa trong nhóm Thanh Tuyền cũng bị công an huyện tạm giữ. 2 giờ 30, pháp y vào làm việc. 3 giờ, tôi được vào.
Trong nhà xác, toàn thân con tôi giá lạnh… Nói thật, niềm đau này làm tôi quên đi thằng con trai ở trại cai nghiện. Nhắc đến tôi mới nhớ,
có người hỏi tôi: “ Sao ông không bảo lãnh nó về để đưa đám em nó?”. Tôi lắc đầu: “Thôi, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Nhỡ nó nóng nảy lên thì hại lắm”.
Hôm sau, mẹ Thùy Trang qua đưa cho gia đình tôi năm triệu phụ vào đám tang. Sau đám, mẹ của bạn Trang đưa cho tôi thêm năm triệu và xin tôi làm một giấy bãi nại. Luật sư biện hộ cho Trang đọc cho tôi viết lời bãi nại. Ừ thì viết.
Tôi nằm yên nghe nỗi buồn gậm nhấm. Tôi phải điều thằng con
út vào đìa tôm với mẹ và chị gái. Còn tôi ở nhà một mình ngủ cạnh bàn thờ con gái tôi. Lên chùa xin lễ cầu siêu, chùa khuyên tôi tụng chú Đại Bi cho linh hồn con tôi thanh thản.
100 ngày sau con mất, ngày nào tôi cũng đi thăm con…
Thấy tôi buồn, một người bạn tặng cho tôi tác phẩm “Không thể
chuộc lỗi”. Tôi đọc, xem những bức ảnh về chiến tranh, sự chết chóc, sự tàn bạo…
Đến lúc này tôi ngộ ra rằng, niềm đau đớn của mình không là gì cả. Tất cả đều do chính mình tạo ra nỗi đau. Khi ta “chấp” thì địa ngục ở trong lòng, khi ta hỉ xả thì lòng ta thanh thản. Trước thống nhất đất nước, gia đình tôi thuộc dạng có hạng, cha và anh tôi đã từng chỉ huy bắn lại người anh em cộng sản. Thế mà sau giải phóng tất cả đều được tha thứ. Nhưng quan trọng nhất
là vợ tôi, bà nói: “Thôi, bỏ đi. Tha thứ cho người ta thì linh hồn con mình cũng nhẹ nhàng và siêu thoát. Mình chấp thì con mình cũng không thoát khỏi cõi luân hồi".
Tôi nghe cũng có lý. Nhưng tôi vốn dốt, biết nói gì trước tòa. Bà ấy bảo: “Con mình có đi học, vì bạn bè mà cũng mang tiếng đàn đúm. Huống hồ Trang không học hành gì. Ông cứ lấy cái thiếu giáo dục mà xin tha cho nó”.
Hai vợ chồng tôi ngồi bàn tính phải nói như thế này, thế nọ.
Chúng tôi quyết định vợ tôi sẽ biện hộ cho Trang, vậy mới đánh động được trái tim mấy vị quan tòa. Khổ cái, ra tòa không ai bế con gái của Thùy Trang, tôi phải nói thay.
Xong phiên tòa, ở quán cà phê, vợ tôi nói: “Tôi ở ngoài nghe ông nói bị thiếu một câu”. “Câu gì?”, tôi hỏi. “Khổng Tử có câu ‘thân chi sơ tính bản thiện’, còn Hồ Chủ tịch nói ‘”Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nếu nói thêm câu này, không chừng được giảm thêm năm nữa”, vợ tôi đăm chiêu.
Tôi luôn thua vợ tôi trên mọi phương diện. Nhưng có hai lần bà ấy thua tôi, thua tâm phục khẩu phục. Lần thứ nhất tôi tuyên bố bỏ thuốc, bà đã cười mỉa mai. Nhờ nụ cười đó mà tôi bỏ được. Lần thứ hai tôi tuyên bố bỏ rượu, bà không mỉa mai mà bĩu môi. Vì cái bĩu môi này tôi bỏ hẳn rượu cho đến ngày hôm nay. Một giọt, dù là bia tôi cũng không. Ở đời chẳng có gì khó, chỉ cần có một tấm lòng…

NGUYỄN THANH BÌNH (thực hiện)