Xã hội

Diêm dân Bạc Liêu đang chờ niềm vui mới

Nguyên Du 24/01/2024 13:59

Vùng sản xuất muối Đông Hải tỉnh Bạc Liêu đang được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, đồng bộ. Ngành chức năng cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ diêm dân để nâng cao giá trị hạt muối bằng việc sản xuất theo chuỗi, gắn với phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho diêm dân.

Để “vực dậy” ngành muối Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải- địa phương sản xuất muối lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu hiện nay. Đây là tin vui đối với không chỉ diêm dân ở khu vực huyện Đông Hải.

dji_0012.jpg
Cánh đồng muối trải bạt ở Bạc Liêu nhìn từ trên cao.

Đề án sẽ cải tạo, xây dựng mới hơn 15 km đường giao thông và thay mới 4 cây cầu, phục vụ cho diện tích sản xuất muối hơn 1.300 ha tại 2 xã Điền Hải và Long Điền Đông, huyện Đông Hải.

Cụ thể, đầu tư xây dựng dự án thành phần số 7: Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, thuộc Dự án Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021-2025 vừa được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt.

Trong đó có 4 dự án gồm: Dự án nâng cấp hạ tầng cánh đồng muối, các hộ dân nằm trong dự án sẽ được đầu tư điện, nâng cấp lộ, nạo vét thủy lợi; dự án nâng cao hiệu quả và chất lượng muối, giúp diêm ứng dụng công nghệ để tăng năng suất muối.

12(1).jpg
Thu hoạch muối trên cánh đồng muối.

Cùng với đó, kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến muối để xây dựng thương hiệu muối thực phẩm, muối dược liệu, quà tặng du lịch, xây dựng khu trưng bày muối, công cụ, phương tiện sản xuất muối và lịch sử hình thành ngành muối để kết nối du lịch…

Hạt muối luôn gắn liền với thời tiết, tuy nhiên, những năm gần đây, trước sự biến đổi của khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa nắng thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến nghề muối và tác động trực tiếp đến đời sống của diêm dân.

Tuy trải qua bao thăng trầm và công việc nhọc nhằn, nhưng diêm dân Bạc Liêu vẫn quyết tâm bám trụ, mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của địa phương.

Diêm dân Lâm Văn Lặc, ở ấp Huy Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải chia sẻ: Với diêm dân chúng tôi, nghề này không chỉ tạo ra thu nhập, mà còn góp phần bảo tồn, phát triển Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm gần đây, một số diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất muối nhằm nâng cao chất lượng hạt muối và tăng năng suất thu hoạch bằng phương pháp trải bạt. Giá thành thu mua muối trải bạt cao hơn 700 đồng/kg so với muối sản xuất truyền thống.

Tuy nhiên, mức đầu tư cho phương pháp này khá cao (hơn 150 triệu đồng/ha) so với thu nhập của diêm dân. “Thời tiết biến đổi thất thường đã ảnh hưởng đến việc sản xuất muối. Bên cạnh đó là giá thu mua muối bấp bênh, không ổn định... về lâu dài, diêm dân khó có thể bám trụ với nghề truyền thống nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước” - ông Lặc chia sẻ.

dsc06604.jpg
Diêm dân trên đồng muối.

Theo ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, hiện nay, Đông Hải gần 1.400ha sản xuất muối, muối trải bạt chiếm gần 7%; diện tích canh tác của từng gia đình không nhiều, giá cả bấp bênh, khâu tiêu thụ còn bất cập.
“Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Muốn giữ gìn “nghề làm muối” thì phải giữ được “người làm muối”, do đó, rất cần có những chính sách, giải pháp, hỗ trợ đầu tư vốn nhằm mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối, tập trung nâng cao đời sống cho diêm dân, từ đó, tạo cho họ sự yên tâm, niềm tin vào giá trị của hạt muối để tiếp tục gắn bó với nghề”, ông Tuấn chia sẻ.

Huyện Đông Hải cũng đã và đang triển khai xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; xây dựng Lễ hội muối tổ chức định kỳ hàng năm nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch.

dsc06615.jpg
Muốn giữ gìn nghề làm muối người làm muối rất cần có những chính sách, giải pháp, hỗ trợ đầu tư vốn nhằm mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối.

Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: Hiện nay, Đông Hải có 3 sản phẩm muối của Công ty cổ phần muối Đông Hải đạt 3 sao (muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy Iot), đã được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nghề muối Đông Hải.

“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng nghề sản xuất muối trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, để đóng góp vào phát triển kinh tế của huyện Đông Hải thuận lợi hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho diêm dân” - ông Kiệt nói.

Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng cho đồng muối và quyết tâm giữ cho được nghề muối truyền thống.

cnm.jpg
Chế biến sản phẩm muối tinh Bạc Liêu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, chủ trương của tỉnh là phải giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều đó đã được thể hiện bằng việc phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đến năm 2030, duy trì diện tích sản xuất muối của tỉnh là 1.500ha, sản lượng muối đạt 66.000 tấn/năm.

Nghề làm muối Bạc Liêu từ xưa đã nổi tiếng tại Nam bộ. Sản phẩm muối Bạc Liêu nổi tiếng về chất lượng, có một hương vị đậm đà, rất độc đáo. Mùa làm muối ở Bạc Liêu thường bắt đầu từ khoảng tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Nguyên Du