Vợ chồng lão nông U80 thu nhập tiền triệu với loại cây "đếm lá tính tiền"
Từ vài dây trầu không trồng trong sân vườn nhà nhắc nhớ đến tình cảm vợ chồng, đến nay, số lượng trầu không đã đầy sân vườn nhà Phạm Thanh Hùng, 85 tuổi ở xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu. Điều đáng nói là giờ vợ ông ông có thu nhập tiền triệu từ cây trồng này.
Những ngày tháng Chạp chúng tôi có dịp về xã Vĩnh Quới A huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự đổi thay ở vùng phèn, mặn, đất đai ngày nào còn khó canh tác giờ bừng lên sức sống mới với những vườn trầu không xanh mướt, thẳng tắp giữa một vùng quê yên ả.
Nơi vùng đất khó này qua bàn tay cần cù siêng năng, sáng tạo của những người nông dân đã biến thành mảnh vườn trầu trù phú, thu lợi hàng chục triệu đồng mỗi năm. Trong đó hộ ông Phạm Thanh Hùng, 85 tuổi ở ấp Ninh Tiến, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân - một trong những hộ có số diện tích trồng trầu không lớn nhất ở đây.
Từ vài dây trầu không trồng cho vui trong sân vườn nhà, đến nay, vườn trầu của ông Hùng đã lắp đầy diện tích quanh nhà, với hơn 600 gốc trầu đã hơn 10 năm tuổi. Đây là sản phẩm được nuôi dưỡng từ niềm đam mê từ thuở thanh xuân của vợ chồng ông Hùng .
Nói về vườn trầu không bằng giọng hào sảng, lão nông Phạm Thanh Hùng chia sẻ, thời trẻ, ông và vợ là bà Nguyễn Thị Lệ, 75 tuổi đều lỡ một lần đò, rồi tơ duyên kết họ đến với nhau thành vợ chồng. Cách đây 15 năm, ông trồng cây cau, bà thì đi xin dây trầu về trồng để lưu giữ kỷ niệm lời thề sắc son tình nghĩa vợ chồng. Ban đầu chỉ trồng chơi cho vui cửa vui nhà, nhưng dây trầu ngày càng bén duyên, phát triển xanh tốt, trở thành vườn trầu lớn nhất nhì của huyện Hồng Dân.
Lão nông Phạm Thanh Hùng chia sẻ thêm, ban đầu ông bà trồng trầu cũng chỉ biếu tặng cho bà con trong xóm, rồi có người lại hỏi mua để bán cho những người bán đồ cúng và đồ lễ cho đám hỏi, đám cưới ngoài chợ, dần dà trầu trở thành nguồn thu nhập chính của ông bà.
Cứ một tuần vợ chồng tôi hái trầu một lần, sau khi đem vào cắt tỉa trồi xếp thành từng ốp (mỗi ốp trầu có 40 lá) thương lái đến mua giá xỉ là 10 ngàn đồng một ốp, trung bình 1 tháng thu nhập từ tiền bán trầu xanh là hơn 6 triệu đồng. Hàng năm cứ mỗi dịp xuân về, Tết đến thu nhập lại cao hơn.
Dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn này thu nhập gấp mất lần ngày thường, vì các chủ sạp trầu cau ở các chợ huyện và trong tỉnh đã đến đặt mua rất nhiều, thế là cái tết này ấm rồi”, bà Nguyễn Thị Lệ phấn khởi nói.
Theo kinh nghiệm của lão nông Phạm Thanh Hùng, trầu lá xanh vàng nhạt nhìn non mướt được ưa chuộng hơn và bán được giá hơn trầu có lá màu xanh đậm. Tuy nhiên để cả vườn trầu với những trụ trầu không to cao đều cho lá đẹp rất kỳ công. Từ việc chăm sóc, bón phân, tưới nước đều phải đúng quy trình kỹ thuật.
Ngay cả việc hái lá trầu tưởng đơn giản cũng phải có kinh nghiệm trong lựa chọn lá, cách hái sao cho không ảnh hưởng đến dây trầu và những lá trầu non đang phát triển.
Ông Võ Quốc Quy- Chủ tịch UBND xã Nĩnh Quới A, huyện Hồng Dân cho hay, trước đây, người dân sống dọc ở khu vực này canh tác nông nghiệp khó khăn vì đất đai nhiễm phèn nặng. Nay, với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tháo chua, rửa phèn từ hệ thống kênh mương nên hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt. Người dân có thể làm kinh tế ngay tại đất vườn nhà.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn trầu ông Hùng, bà Lệ nói rằng, nhờ vườn trầu này mà vợ chồng tôi có cuộc sống ngày càng ổn định khấm khá lên, có tiền giúp các con lo thêm cho các cháu ăn học.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, công việc hàng ngày bây giờ của ông bà vẫn là chăm chút vườn trầu cho tốt dây, xanh lá vừa để vui vẻ tinh thần, rèn luyện sức khỏe. Nhìn từng cử chỉ ông chăm sóc, nâng niu từng lá trầu không, rồi cẩn thận lặt từng lá vàng héo, chúng tôi như thấy được tình cảm của đôi vợ lão nông ấy dành cho mỗi dây trầu cũng giống như tình cảm vợ chồng ông bà ngày càng thấm đượm gắn bó kèo sơn ở tuổi xế chiều. “Nếu phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá, bạc như vôi!”.