Xã hội

Người chăn nuôi tại Bà Rịa – Vũng Tàu lo lắng vì dịch tả lợn Châu Phi

Nguyễn Nam - Mạnh Cường 24/01/2024 15:13

Dịch tả lợn Châu Phi đang có nguy cơ bùng phát lan nhanh trở lại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là vào thời điểm cận Tết Nguyên đán khiến người nuôi lợn rơi vào cảnh khốn đốn. Trong năm 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghi nhận 18 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 4 huyện.

W_nha-ba-ba-tram-thi-hoa-ngu-ap-bau-sen-xa-xa-bang-huyen-chau-duc-dang-ve-sinh-chuong-trai-sau-khi-phat-hien-dich-benh..jpg
Nhà bà Trầm Thị Hoa, ngụ ấp Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đang vệ sinh chuồng trại sau khi phát hiện dịch bệnh.

Theo ghi nhận, nhiều hộ dân nuôi lợn tại huyện Châu Đức đã phải chịu thiệt hại không nhỏ do dịch bệnh. Ông Nguyễn Đình Khôi ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức có một trang trại chăn nuôi lợn khép kín, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học nhưng vẫn không tránh khỏi bị dịch tả lợn Châu Phi tấn công. Từ tháng 12/2023 đến nay, ông Khôi đã phải tiêu hủy hơn 200 con, ước tính thiệt hại lên tới 500 triệu đồng.

Tương tự, bà Trầm Thị Hoa, ngụ ấp Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức cũng mất trắng 39 con lợn đang nuôi thịt cho dịp Tết, với thiệt hại lên tới 100 triệu đồng. Bà Hoa cho biết đây là lần đầu tiên trong 20 năm chăn nuôi gia đình bà bị thiệt hại nặng nề đến vậy.

Nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh là do nguồn vaccine phòng bệnh khan hiếm. Còn theo ông Nguyễn Đình Khôi, ngay từ đầu vụ ông đã tìm mua vaccine phòng dịch tả Châu Phi cho đàn lợn nhưng không ai cung cấp được. Điều này khiến đàn lợn của ông không có "lá chắn" để phòng bệnh.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức cho biết, tính từ tháng 9/2023 đến hết tháng 12/2023 trên địa bàn huyện đã xảy ra 14 ổ dịch bệnh tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy 454 con lợn, từ giữa tháng 1/2024 đến nay trên địa bàn huyện cũng đã ghi nhận thêm một ổ dịch buộc phải tiêu hủy hơn 20 con, hiện ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Ông Thịnh Đức Minh, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết. Để chủ động phòng chống, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; tổ chức tiêm phòng vaccine bổ sung cho đàn vật nuôi; tăng cường kiểm soát vận chuyển và xử lý nghiêm các vi phạm; khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vaccine vẫn đang là vấn đề lớn cần sớm được giải quyết.

Ngoài nguyên nhân khan hiếm vaccine, yếu tố thời tiết cũng có ảnh hưởng lớn đến sự bùng phát của dịch tả lợn Châu Phi. Theo các chuyên gia, thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ dao động thất thường sẽ làm suy giảm sức đề kháng của đàn lợn, tạo điều kiện cho virus phát triển. Do vậy, việc tăng cường vitamin, khoáng chất và các chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi là hết sức cần thiết để nâng cao sức khỏe, sức chống chịu của đàn vật nuôi.

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng cần chú trọng áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, hạn chế tiếp xúc với người lạ và động vật hoang dã. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nâng cao nhận thức và ý thức phòng chống dịch. Công tác kiểm soát buôn bán, giết mổ động vật không đảm bảo an toàn cũng phải được siết chặt hơn nữa.

Hy vọng với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp chính quyền và người chăn nuôi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sớm khống chế được dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và sức khỏe đàn vật nuôi. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi địa phương phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Nguyễn Nam - Mạnh Cường