Định vị giá trị Việt trên trường quốc tế
Ngày 24/1, tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 9, khóa IX, bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho biết, những năm gần đây, Việt Nam được coi là một điểm sáng trong việc tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu đất nước, cần chú trọng đến việc quảng bá văn hóa Việt.
Theo bà Phan Bích Thiện, ở trong nước, hàng chục năm qua, Ngày hội đại đoàn kết dân tộc được tổ chức rất hiệu quả. Đoàn kết chính là sức mạnh làm nên mọi thành công của dân tộc Việt Nam. Do đó, cần lan tỏa tinh thần đại đoàn kết không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài.
“Thời gian tới nên triển khai Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ngoài. Có thể thí điểm ở một số nước có cộng đồng mạnh, sau đó sẽ lan rộng ra ở các nước khác. Trong năm 2024, có thể tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở Hungary để bà con, cộng đồng hiểu thêm về vai trò của MTTQ, hiểu thêm về ý nghĩa của từ đại đoàn kết dân tộc”, bà Thiện kiến nghị và cho rằng, qua việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết sẽ tập hợp, liên kết được nhiều hơn bà con trong cộng đồng, quy tụ lại để hướng về quê hương đất nước.
Khẳng định công tác đối ngoại nhân dân sẽ góp phần xây dựng thương hiệu của đất nước, bà Phan Bích Thiện cho rằng thời gian tới cần chú trọng đến việc quảng bá văn hóa Việt. Đặc biệt cần có chiến lược, trọng tâm, trọng điểm, chọn ra một mũi nhọn của văn hóa Việt để tập trung quảng bá.
“Theo kinh nghiệm của bản thân, bạn bè tôi sang Việt Nam đều thích ẩm thực Việt. Do đó, ẩm thực đường phố của người Việt cũng là một nét đặc trưng thì có thể xây dựng thương hiệu Việt Nam là đất nước có ẩm thực đường phố nổi tiếng”, bà Thiện chia sẻ và cho rằng các nhà chuyên môn có thể nghiên cứu và đưa ra những ý tưởng cụ thể để có thể chọn ra, không cần nhiều, chỉ một và điểm thật sự nổi bật và được bạn bè quốc tế đánh giá cao để quảng bá. Điều này sẽ góp phần định vị thương hiệu Việt và các giá trị văn hóa Việt trên trường quốc tế.
Nêu ý kiến, ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia cho biết, trong những năm qua Hội đã nhận được tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam, các bộ ngành hỗ trợ, giúp đỡ về mặt vật chất lẫn tinh thần cho Hội và bà con cộng đồng.
Những năm qua, Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia đã nhận được tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam, các bộ ngành hỗ trợ, giúp đỡ về mặt vật chất lẫn tinh thần cho Hội và bà con cộng đồng. Tiêu biểu như hỗ trợ kinh phí mua mặt bằng xây dựng trường, lớp học, cấp học bổng Đại học cho con em cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia.
Tuy nhiên ông Chi cũng băn khoăn khi bà con Việt kiều đã sinh sống nhiều đời tại Campuchia nhưng không có hộ chiếu, lý lịch tư pháp và giấy khai sinh, cũng không thể làm các loại giấy tờ thay thế khác.
“Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã giải quyết mỗi năm vài trường hợp được nhập quốc tịch. Vậy, đến khi nào mới có thể nhập quốc tịch được hết cho 100.000 bà con kiều bào tại Campuchia”, ông Chi nêu thực tế và đề nghị không thể làm riêng lẻ từng trường hợp mà phải làm đồng loạt bằng pháp lý.
Về vấn đề ổn định chỗ ở cho bà con di dời từ khu vực dưới dòng sông để lên bờ sinh sống, ông Chi kiến nghị Nhà nước phải có dự án, phương án rõ ràng cụ thể và thành lập Quỹ hỗ trợ bà con cộng đồng tại Campuchia tìm nơi tái định cư mới; đồng thời khẳng định Hội sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia từng bước chăm lo cho bà con có chỗ ở ổn định, an cư lạc nghiệp.