Văn hóa

Giọng ca trẻ Quách Ánh: Nhạc thính phòng cần thêm người trẻ có đam mê

Hoàng Vân 24/01/2024 18:27

Trong số những người trẻ "có gan" theo đuổi dòng nhạc thính phòng, Quách Ánh có phần chậm hơn nhưng không phải vì thế mà giọng ca trẻ không có niềm đam mê đặc biệt đối với âm nhạc.

z5094113139289_3fbfd05dc7b3443f04e3382da57ae929.jpg
Quách Ánh sở hữu gương mặt khả ái cùng giọng hát trong trẻo.

Theo đuổi dòng nhạc kén người nghe, Quách Ánh thừa nhận, nhạc thính phòng cần thêm những gương mặt mới, có niềm đam mê. Dịp này, trong cuộc trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, nữ ca sĩ trẻ chia sẻ nhiều về hành trình, định hướng trên con đường ca hát và cả tình yêu, những cái khó khi theo đuổi dòng nhạc thính phòng.

PV: Chào Ánh, cơ duyên nào khiến một cô gái trẻ như Ánh quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc và nghệ thuật?

Ca sĩ Quách Ánh: Bố mẹ tôi là những người rất thích nghe nhạc. Từ khi tôi còn bé, họ rất hay bật nhạc cho tôi nghe. Khi tôi chơi, tôi ăn uống luôn có nhạc xung quanh. Lớn lên một chút, tôi tham gia cuộc thi về âm nhạc như: "Giai điệu tuổi hồng", thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ do trường tổ chức... Chính từ những điều nhỏ ấy đã nuôi dưỡng đam mê âm nhạc trong tôi.

Là con gái lại chọn theo đuổi nghệ thuật, gia đình Ánh phản ứng thế nào?

Đến thời điểm này, tôi vẫn luôn rất biết ơn bố mẹ và gia đình vì đã luôn bên cạnh quan tâm và ủng hộ con đường mà tôi lựa chọn. Đã có những lúc khó khăn tưởng chừng không thể bước đi trên con đường này nữa, nhưng nhờ sự thôi thúc và động viên của gia đình, tôi vững tâm hơn và có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê.

Được học tập tại trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và theo đuổi đam mê, dù khó khăn nhưng hẳn Ánh cũng cảm thấy may mắn?

- Đúng vậy, đây thực sự là một điều may mắn. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được sống và học tập trong một ngôi trường âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Đây chính xác là ngôi nhà thứ 2 của tôi.

Âm nhạc Việt Nam ngày càng được chuẩn hóa và quốc tế hóa, chọn theo đuổi dòng nhạc thính phòng. Là một người trẻ, Ánh nhìn nhận thế nào về những khó khăn mà mình đang đối mặt?

Khó khăn lớn nhất với thế hệ ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc thính phòng là không được sống trong thời kì kháng chiến nên sẽ hạn chế nhận thức về vẻ đẹp và cảm xúc của thời kỳ cách mạng (thời kỳ của những chiến thắng lẫy lừng như “Trường ca sông Lô, Bài ca Hà Nội” hay tình cảm của những người Mẹ Việt Nam anh hùng trong các tác phẩm “Áo mùa đông, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa...”.

Mặt trái của những khó khăn đó chính là giới trẻ được tiếp nhận văn hoá hiện đại, được trang bị đầy đủ kiến thức âm nhạc và nền hoà bình độc lập dân tộc. Người trẻ phải tự tạo, tự tìm kiếm cho mình cảm xúc đời thường nhưng chân thật và gần gũi. Điều này tuy khó, nhưng việc khó mới cần những người tài năng...

Tôi nghĩ dù trong thời kỳ nào thì âm nhạc cũng sẽ có cách để tiếp tục tồn tại và phát triển. Bản thân sẽ không ngừng nỗ lực học tập để tương lai cũng sẽ trở thành một nghệ sĩ có ích cho nước nhà.

z5094113146785_5d186a60148d68af030e318eec451426-1-.jpg
Ánh là một trong số ít ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc thính phòng.

Các tác phẩm mới của dòng nhạc thính phòng cổ điển không nhiều. Khi nhắc đến nhạc thính phòng người nghe đều nhớ tới các tác phẩm kinh điển ở thời kỳ trước. Giờ đòi hỏi Việt Nam phải có những tác phẩm mới viết cho dòng này có khó quá không với một người trẻ và với xu hướng thịnh hành?

Nhạc thính phòng theo như tôi biết thì đây là nhạc để biểu diễn trong phạm vi không gian nhỏ (như phòng hoà nhạc) để phân biệt với nhạc giao hưởng nhạc sân khấu (opera dành cho các dàn hoà nhạc lớn). Tính chất âm nhạc và quãng giọng của nhạc đỏ đáp ứng được yêu cầu chung để thể hiện tình cảm và kĩ thuật thanh nhạc. Khi nói về hát thính phòng ở Việt Nam người ta thường gắn với hình ảnh các ca sĩ nhạc đỏ là hợp lí.

Tôi nghĩ mỗi cá nhân sẽ có con đường phát triển cho riêng mình. Thú thực, ngày nay không có nhiều nghệ sĩ trẻ dám mạo hiểm để theo đuổi dòng nhạc khó, kén người nghe như nhạc thính phòng. Tuy nhiên, tôi luôn có niềm tin vượt lên khó khăn sẽ là thành công như câu nói: “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất dần sau lưng bạn”. Dòng nhạc thính phòng cũng cần có thêm nhiều người trẻ có đam mê để phát triển.

z5094113158211_0596898aa65921f5d5e25e24682786d8.jpg
Ánh cho rằng, ngày nay không có nhiều nghệ sĩ trẻ dám mạo hiểm để theo đuổi dòng nhạc khó, kén người nghe như nhạc thính phòng.

NSND Đỗ Quốc Hưng có phải là hình mẫu cho Ánh học tập?

NSND Đỗ Quốc Hưng mặc dù không trực tiếp giảng dạy tôi nhưng với thế hệ học trò, NSND Đỗ Quốc Hưng luôn là hình mẫu. Trên cương vị là thầy chủ nhiệm khoa Thanh nhạc và bây giờ là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc, thầy luôn tận tình chỉ bảo và động viên học sinh trong các khóa.

Thầy vừa là người đi trước vừa là tiền bối, là tấm gương cho chính tôi cũng như các thế hệ học sinh của trường học tập và noi theo.

Định hướng sự nghiệp và kế hoạch dự định tương lai của bạn sắp tới là gì?

Tương lai tôi sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê, tiếp tục học hỏi hoàn thành tốt việc học ở trường và trau dồi, tích luỹ thêm kiến thức và kinh nghiệm. Năm sau, tôi dự định sẽ tham gia một số cuộc thi để thử sức, biết đâu nhờ những cuộc thi đó sẽ được nhiều người biết đến.

Cảm ơn Ánh đã chia sẻ!

Quách Ánh sinh năm 1999, quê ở Hưng Yên, được biết đến là giọng ca trẻ đang học tập tại khoa Thanh nhạc – Học viện Âm nhạc Việt Nam. Tuy đang học tập trên giảng đường thế nhưng theo nhận xét của các thầy cô, Quách Ánh sở hữu giọng ca ngọt ngọt, đằm thắm. Ánh cũng là sinh viên ưu tú được thầy cô quý mến.

Hoàng Vân