Thấy gì ở con số 5%?
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa đưa ra những khuyến nghị để phát triển du lịch Việt Nam bền vững; trong ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15 (năm 2024) với chủ đề: "Thúc đẩy đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững". Đáng chú ý khi EuroCham đưa ra con số rất khiêm tốn tỉ lệ khách nước ngoài quay trở lại du lịch Việt Nam.
Theo EuroCham, tỉ lệ khách quay trở lại du lịch Việt Nam chỉ 5%, trong khi Thái Lan là 50%. Nếu con số đó là đúng thì rất đáng suy nghĩ. EuroCham cũng cho rằng Việt Nam cần bảo đảm khách du lịch có trải nghiệm tích cực trong chuyến đi và lưu giữ những kỷ niệm đẹp về hành trình. Sự hiếu khách và nồng nhiệt của người dân địa phương đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.
EuroCham cũng đề xuất miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Việt Nam cần phát triển hơn nữa loại hình du lịch y tế, khi mà trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 du khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh.
Trên cơ sở thành tựu đáng kể đã đạt được trong năm 2023 (với 12,6 triệu lượt du khách quốc tế), năm nay du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Với ta, đó cũng là cố gắng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đó vẫn là mục tiêu “thiếu tham vọng” khi nước láng giềng Thái Lan đặt mục tiêu 35 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2024.
Nhân đây cũng xin đưa ra một con số so sánh: du lịch Việt Nam đóng góp khoảng 7% GDP; trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan 20,3%; Philippines 22,5% và Campuchia 25,8% (số liệu năm 2023).
Gần đây, nhiều tổ chức du lịch quốc tế xếp hạng cao cho du lịch Việt Nam. Nhiều điểm đến tại Việt Nam lọt vào tốp có thứ hạng cao, nhất là những thành phố ven biển và di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO vinh danh. Kể cả việc được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (theo World Travel Awards, tháng 9/2023).
Nhìn chung, du lịch Việt Nam đã trên đường băng cất cánh. Vấn đề là làm sao để tốc độ bay nhanh hơn, cao hơn (chất lượng) và xa hơn (mở rộng thị trường).
Trở lại với khuyến nghị của EuroCham với du lịch Việt Nam, rất đáng chú ý là việc hiếu khách và nồng nhiệt của người dân địa phương được xác định đóng vai trò quan trọng trong việc giữ khách ở lại dài ngày hơn cũng như sớm quay trở lại.
Lâu nay, chúng ta đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, nói nhiều đến chuỗi sản phẩm du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên, ẩm thực... nhưng việc “hiếu khách và nồng nhiệt” ở những điểm đến chưa được chú ý đúng mức. Mà đó lại là yếu tố quan trọng bậc nhất chinh phục tình cảm của du khách nước ngoài cũng như trong nước. Cùng với những điểm đến thân thiện, thì vẫn còn đó những điểm đến khiến du khách phiền lòng, với nạn ăn xin đeo bám, trộm cắp, “chặt chém”, kể cả lừa đảo. “Con sâu làm rầu nồi canh”, bao nhiêu công sức xây dựng thương hiệu bỗng chốc tan thành mây khói.
Ở đây, bên cạnh ý thức của người dân tham gia làm du lịch thì quan trọng nhất là vai trò của chính quyền địa phương. Không thể nói là địa phương không biết, mà rất có thể đã làm ngơ. Sự thiếu trách nhiệm khiến cho việc phát triển du lịch của chính địa phương đó chỉ mang tính thời vụ mà thiếu bền vững. Rất nguy hiểm khi với du khách nước ngoài, chỉ cần mất thiện cảm với một điểm đến thôi thì họ lại nghĩ ngay cho cả đất nước.
Phát triển du lịch sẽ không thể nhanh mạnh, bền vững nếu như chính quyền địa phương không có trách nhiệm đầy đủ, không có tầm nhìn xa, không ý thức được rằng mình cũng chính là “sứ giả” của đất nước.
Ý thức hiếu khách và nồng nhiệt của người dân ở một điểm du lịch không bỗng dưng mà có, nó phải được bồi đắp một cách bền bỉ với từng người. Trong đó, vai trò “điều chỉnh” của chính quyền địa phương để dần dà tạo nên ý thức của cả cộng đồng đóng vai trò quan trọng.
Người Việt Nam thân thiện, hiếu khách. Tinh thần ấy cần phải được gìn giữ, nhân rộng. Vì thế, những hành vi đi ngược lại điều đó cần phải được ngăn chặn, xử lý. Trước đây chúng ta vẫn thường nói “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, nghe chừng khách sáo. Nhưng điều đó vẫn luôn đúng, nhất là khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.