“Chiêu mộ nhân tài” cho động lực tăng trưởng mới
Bên cạnh thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) thì vấn đề đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi, liên kết vùng) đang được đặt ra. Nhưng làm sao có cơ chế để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực này?
Tuần qua, trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp (DN) toàn cầu về hợp tác phát triển AI, chip bán dẫn. Tại cuộc tọa đàm, đại diện các tập đoàn lớn của thế giới như: Google, Siemens, Ericsson mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để các DN đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng chiến lược.
Có thể thấy rằng, các động lực tăng trưởng mới của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của nhiều nước, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Và theo báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, trong thời gian tới ngành công nghiệp bán dẫn dự báo sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn, từ nay đến năm 2030 có thể cần đến 50.000 đến 100.000 nhân lực.
Tại Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng ký ban hành trong đó đã xác định mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số. Mục tiêu cũng chỉ rõ lộ trình đến hết tháng 6/2024, đạt 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế.
Khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ tại kỳ họp thứ 5, ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) từng đặt vấn đề, cần có thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn chính sách để “kích nổ” trong khoa học công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như là trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới...
Vậy vấn đề đặt ra là làm sao thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới? bởi thu hút nhân tài đã khó, và thu hút nhân tài vào các “ngành mũi nhọn” lại càng khó hơn do nhiều nước trên thế giới cũng có những chính sách để thu hút lực lượng này đến với họ. Nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam định hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến sẽ xây dựng và trình Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn vào đầu năm nay. Theo đó, Việt Nam sẽ đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư, 1.000 thạc sĩ và 100 kỹ sư chuyên sâu ở trong nước và nước ngoài trên cơ sở huy động mọi nguồn lực từ nhà nước đến doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, bên cạnh việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để cung cấp cho các ngành này thì cần hàng loạt cơ chế chính sách để thu hút nhân tài, chuẩn bị trước nguồn nhân lực. “Theo đó có thể thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ngoài, nguồn nhân lực từ các DN đầu tư nước ngoài, và nguồn nhân lực là người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc tại các lĩnh vực này” - ông Dĩnh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, phải có cơ chế chính sách để thu hút nhân tài một cách rất rõ nét đối với các nhà khoa học ở nước ngoài đến Việt Nam; nhà khoa học là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về nước làm việc. Như vậy sự “chuyển giao” sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Song ông Sơn lưu ý, cần chú ý đến vấn đề nguồn lực, bởi trả lương cho một nhà khoa học cần phải ở mức cao, vậy phải tính thế nào, cho nên bên cạnh yếu tố nhà nước thì cần tăng cường xã hội hoá, tạo điều kiện, cơ chế cho các DN thu hút.
Theo ông Sơn, muốn làm được như vậy, cần sớm sửa các luật có liên quan như: Luật Công nghệ cao; Luật Khoa học công nghệ; Luật Giáo dục đào tạo; Luật Đại học; cũng như sớm xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, chính sách phát triển chip bán dẫn để bổ sung, tạo hàng lang pháp lý tốt nhất để thực hiện đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới gồm.
Ông Sơn phân tích: Luật Khoa học công nghệ đang đưa ra mức chi là 2% trở lên song các năm vừa qua chi cho khoa học công nghệ rất thấp. Bây giờ cần thay đổi để làm sao ứng dụng khoa học công nghệ một cách tốt nhất như có nên duy trì hệ thống định mức không, hay vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn?
“Hiện chúng ta đang sửa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để làm sao phù hợp với thực tế chứ làm chip bán dẫn mà vẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn, trình tự quy trình, các định mức của 10 năm trước thì không thể phù hợp. Cần thay đổi một cách toàn diện trong ban hành chính sách, và thực thi chính sách. Đối với các trường đại học cần có cơ chế để họ thực hiện đó là cơ chế “đặt hàng” vừa đảm bảo nhu cầu đào tạo, vừa hài hoà lợi ích của các bên. Chứ đào tạo ra mà không được tuyển dụng hay không có việc làm thì không được” - ông Sơn nói.