Chủ động ứng phó rét đậm, rét hại
Rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày qua ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe, đời sống và sản xuất của người dân. Các địa phương đã và đang chủ động ứng phó với đợt rét này.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, những ngày qua, nhiệt độ tại Cao Bằng giảm sâu, gây ra đợt rét đậm rét hại, tác động mạnh đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Trước tình hình đó, tỉnh Cao Bằng đã tăng cường chỉ đạo, giám sát chính quyền cơ sở tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, sản xuất nông nghiệp và đàn gia súc.
Dự báo trước về đợt lạnh kéo dài, ngay từ đầu tháng 1, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Công điện số 01 về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan, đơn vị cấp huyện phối hợp các ngành, đoàn thể ở địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp chống rét; phòng, chống cháy nổ, ngộ độc khí khi sưởi ấm. Đặc biệt chú ý chống rét và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác cho người cao tuổi, trẻ em, người yếu thế... Nhờ đó, các địa phương trong tỉnh chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống rét, đảm bảo an toàn cho người, cây trồng, vật nuôi.
Nguyên Bình là một trong những huyện có nhiệt độ lạnh sâu nhất của tỉnh Cao Bằng. Tại đỉnh núi Phia Oắc, xã Thành Công xuất hiện băng giá, nhiệt độ buổi sáng đo được có lúc -3 độ C. Nhiệt độ giảm sâu khiến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo cho học sinh Tiểu học và Mầm non nghỉ học, học sinh Trung học cơ sở lùi thời gian học vào buổi sáng.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình, những ngày gần đây, huyện đã thành lập nhiều đoàn đi các xã kiểm tra công tác phòng, chống đói rét cho trâu bò. Qua kiểm tra, nhìn chung các xã thực hiện khá tốt việc phòng, chống đói rét cho gia súc. Tại địa phương, bà con không trồng nhiều hoa màu vào mùa đông nên thiệt hại không đáng kể.
Tại huyện Bảo Lạc, công tác phòng, chống rét đang được duy trì tốt. Đến nay, cây trồng chưa có ảnh hưởng lớn, đàn gia súc an toàn, chưa có thiệt hại.
Tại tỉnh Thanh Hóa, khu vực biên giới như Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn, Thường Xuân… thời tiết chuyển rét đậm, có nơi nhiệt độ xuống 4 độ C. Nhiệt độ thấp, rừng núi, nhiều nơi sương mù dày, khiến cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
Để kịp thời ứng phó với các tình huống diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, nhất là rét đậm, rét hại, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo nhiều biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết bất thường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống, rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc biệt là đàn gia súc, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và bị động trong việc phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn quản lý. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời cho người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Tại tỉnh Nghệ An, những ngày qua, không khí lạnh liên tục tăng cường khiến nền nhiệt độ tại địa bàn vùng núi cao phía Tây, có nơi, có thời điểm xuống dưới 5 độ C. Trước việc dự báo thời tiết có diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có công văn về việc chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo. Trong đó, chú trọng việc thường xuyên nhắc nhở cha mẹ mặc đủ ấm cho trẻ mầm non, học sinh mặc đủ ấm cho bản thân. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến học sinh ở trường nội trú, bán trú từ việc đảm bảo thực phẩm sạch, an toàn, phù hợp với điều kiện thời tiết rét, lạnh.
Tại Hà Tĩnh, để bảo vệ an toàn sản xuất, tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan đơn vị chủ động theo dõi sát tình hình giá rét có phương án phòng chống kịp thời, hiệu quả. Đối với diện tích lúa đã gieo cấy, các địa phương, ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng, chống rét cho lúa kịp thời; số diện tích chưa bắc mạ, gieo thẳng tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, né tránh thời điểm xuống giống gặp rét.