Không gây thêm áp lực cho giáo viên
Lần đầu tiên Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được nhắc tới trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết phải có loại giấy phép này. Trong khi đó, Bộ GDĐT lại có cách tiếp cận khác.
Những giáo viên (GV) mà chúng tôi tiếp cận tại Hà Nội cũng có hai chiều hướng quan điểm khác nhau về vấn đề này. Người cho rằng quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp chẳng khác nào một dạng giấy phép con, vô lý và không cần thiết. Bởi GV tốt nghiệp ngành Sư phạm đã đủ điều kiện đứng lớp. Sinh viên Sư phạm học xong là để đi dạy học, đó là nghề của họ. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, có những thầy cô chia sẻ rằng việc có chứng chỉ hành nghề sẽ giúp GV thuận lợi hơn trong việc mở lớp dạy thêm, hoặc lò luyện thi trước nhu cầu ngày càng lớn của xã hội.
Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam nêu quan điểm, nên thận trọng thực hiện chủ trương cấp giấy chứng nhận hay chứng chỉ miễn phí cho GV để sử dụng suốt đời. Chủ trương có thể đúng nhưng việc tổ chức triển khai vấn đề này lại là việc rất khó khả thi. Chắc chắn trong xã hội và toàn ngành sẽ hiểu: bản chất đây là việc cấp "giấy phép con". Giấy phép con nó để lại hậu họa thế nào thì chúng ta đều có trải nghiệm đau lòng. Vì nó có giá trị cả đời thì phải "chạy" bằng mọi cách để có nó. Từ đây một cuộc đua trong đội ngũ sẽ xảy ra… Ông Ân cũng phân tích thêm: Thực tế GV đã tốt nghiệp sư phạm và đang dạy học, đang ăn lương của nhà nước là có tư cách pháp nhân của GV, không phải cấp giấy phép lần nữa. Hiện nay do nhu cầu phát triển giáo dục, cần nâng cao và củng cố đội ngũ thì chúng ta phải bồi dưỡng, cập nhật năng lực hành nghề là đúng. Nhưng đó là việc làm thường xuyên của từng trường, từng GV và chỉ cần được xác nhận hoàn thành công việc bằng giấy chứng nhận của đơn vị tổ chức lớp học mà không cần chứng chỉ do nhà nước cấp.
Tại hội thảo mới nhất nhằm tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo (có sự tham gia của đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) sư phạm), TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ (Bộ GDĐT), cho biết việc xây dựng luật Nhà giáo rất cần thiết, xuất phát từ vai trò quyết định của đội ngũ với giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc xây dựng bộ luật này. Quan điểm của Bộ GDĐT là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ nhà giáo phát triển, chứ không phải thêm điều kiện ràng buộc với đội ngũ này.
Trước sự quan tâm của dư luận những ngày qua, ông Đức cũng đã giải thích rõ thêm, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo giúp việc hành nghề, chuyển nơi làm việc thuận lợi hơn, không gây phát sinh thêm thủ tục. Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện có đồng thời nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh GV/giảng viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế những cái này với các tiêu chí cụ thể. Giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là sự công nhận và vinh danh nhà giáo. “Do đó, khi chuẩn bị xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi nêu vấn đề này lên để xã hội phản biện, góp ý. Chúng tôi tổ chức các hội thảo với nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Bộ lắng nghe nhiều phía, đánh giá xem có đưa điều này vào luật hay không. Hiện nay bộ vẫn đang trong quá trình lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện để xây dựng dự thảo luật” - ông Đức cho hay.
Dẫu thế, điều mà dư luận đang quan tâm là nếu cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp, nhưng vì một sai phạm nào đó, GV bị tước giấy phép hành nghề thì có tiếp tục được dạy học không? Nếu có, điều này trái với Luật Giáo dục năm 2019 không? Trong khi hiện nay, cả nước có khoảng 1,5 triệu GV. Biên chế sự nghiệp của ngành giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là rất đông đảo. Do đó, việc xây dựng một chính sách hay một quy định cụ thể nào cần được tính toán, cân nhắc, lắng nghe thấu đáo… nhằm đảm bảo sự thuận lợi với người làm nghề, cũng như thiết thực với cuộc sống.