Nỗ lực ổn định thị trường vàng
Hiện giá vàng trong nước vẫn đang neo ở mức cao, trong khoảng 74 - 76,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đặc biệt, chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới theo quy đổi vẫn lên tới 15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước “một mình một chợ”?
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng nguyên nhân khiến giá vàng trong nước “một mình một chợ” là do tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Trong khi tâm lý của người dân Việt Nam là tích trữ vàng để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro.
Khi cung lớn hơn cầu sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối và giá vàng sẽ tăng. Trong bối cảnh đó, thị trường vàng trong nước lại không có hoạt động xuất nhập khẩu để điều tiết, để nếu trong nước giá cao thì nhập khẩu vào, còn nếu trong nước giá thấp, thế giới giá cao thì xuất khẩu ra để cân bằng.
“Như vậy, chúng ta không cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, dẫn đến tình trạng giá vàng thế giới có thể tăng một chút nhưng giá vàng trong nước lại tăng rất cao, có những thời điểm tăng đến 20 triệu đồng/lượng” - ông Cường nhấn mạnh và cho rằng điều đó cũng sẽ “sinh lợi” cho hoạt động nhập lậu vàng. Buôn lậu tăng lên không những gây thất thu thuế, không tạo ra một thị trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng mà còn dẫn đến tình trạng thất thoát về ngoại tệ.
Cũng theo ông Cường, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012. Thời điểm đó, vàng được coi như một phương tiện thanh toán, gần như là tiêu dùng vàng thay cho tiền; hầu như những quan hệ gì giá trị lớn là quy thành vàng. Chúng ta nói rằng, thời kỳ đó là thời kỳ "vàng hóa nền kinh tế".
Điều này gây nhiều hệ lụy, trong đó điển hình nhất là vấn đề bảo vệ giá trị đồng tiền, khiến người ta không tin tưởng vào giá trị đồng tiền nữa. Cùng với đó, chúng ta không thể quản lý được vấn đề xuất nhập khẩu và ngoại hối, dẫn đến không quản lý được vấn đề tỷ giá...
Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 24 nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa". Ông Cường cho rằng việc ban hành Nghị định 24 là rất kịp thời và nghị định này đã phát huy tác dụng khá tốt những năm qua. Gần như chúng ta đã chấn chỉnh được tình trạng dùng vàng làm công cụ giao dịch.
Tuy nhiên, đến nay, kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… có rất nhiều thay đổi. Trong khi chúng ta vẫn đang duy trì Nghị định số 24 với những quy định rất chặt chẽ như: Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Cùng với đó, ông Cường cũng chỉ ra thực tế là sự không bình đẳng giữa các loại vàng miếng. Có thể chất lượng cùng là vàng 99,99 như nhau nhưng vàng tên SJC được Nhà nước bảo hộ thì giá rất cao. Các vàng khác không được bảo hộ thì đương nhiên giá sẽ thấp.
Đề xuất giao dịch vàng tài khoản
Từ đó, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cần có sự thay đổi về phương thức quản lý và sửa đổi Nghị định số 24. Có thể cho nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa. Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề xuất cần phải bỏ các công cụ để liên thông giữa thị trường vàng trong nước với quốc tế, chẳng hạn như vấn đề xuất nhập khẩu.
“Tất nhiên, xuất nhập khẩu ở đây phải có phương thức quản lý phù hợp. Không phải cứ duy trì một cơ chế như trước đây là cấp phép theo dạng "xin - cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu đó. Nhưng cũng phải quản lý để tránh tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ nhập vàng vào cho mục đích khác, làm mất cân đối ngoại tệ, mất khả năng điều hành tỷ giá” - ông Cường phân tích.
Còn ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng, mà chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ, đồng thời đóng vai trò quản lý dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị cần "mở cửa" cho nhiều DN tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ dàng hơn, không còn tình trạng khan hiếm nữa.
Theo TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), ở Việt Nam đã có Sở Giao dịch hàng hóa và nên coi vàng như một loại hàng hóa, niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa với các hợp đồng tương lai, quyền chọn và các sản phẩm khác. Như vậy vừa đảm bảo sự kết nối giữa giá vàng Việt Nam và thế giới, vừa giúp thị trường trong nước phản ứng nhanh nhạy với các biến động của giá thế giới.
Theo ông Đạt, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ, chứng nhận vàng do Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ, chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ vì đây là loại hàng hóa đặc biệt. Bởi, vàng không chỉ là phương tiện đầu cơ mà còn là tài sản trú ẩn, phòng ngừa rủi ro nên một khối lượng vàng lớn khoảng 400 tấn nằm "chết" trong khu vực người dân.
Một trong những giải pháp phát triển thị trường vàng được các chuyên gia kiến nghị đó là thành lập sàn giao dịch vàng và cho phép liên thông với thị trường vàng thế giới. Khi đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ được giữ ổn định và thu hẹp lại. Thị trường sẽ điều tiết giá vàng theo cơ chế cung cầu.