Quốc tế

Thủ phạm gây hạn hán ở Amazon

Mai Phương 27/01/2024 08:09

Một nghiên cứu được công bố hôm 25/1, biến đổi khí hậu là thủ phạm chính gây ra đợt hạn hán kỷ lục ở rừng nhiệt đới Amazon, làm cạn kiệt các dòng sông, giết chết loài cá heo có nguy cơ tuyệt chủng và đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực.

anh-tin-26-1.jpg
Các phương tiện đường thủy mắc cạn trên bãi cát của sông Rio Negro, ở Cacau Pirera, Brazil. Nguồn: Reuters.

Phân tích của World Weather Attribution, sự nóng lên toàn cầu khiến khả năng xảy ra hạn hán tăng gấp 30 lần, dẫn đến nhiệt độ cực cao và góp phần làm giảm lượng mưa. Nghiên cứu tập trung vào tháng 6 đến tháng 11 năm ngoái.

Năm ngoái, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, hạn hán xảy ra ở tất cả 9 quốc gia có rừng nhiệt đới Amazon bao gồm Brazil, Colombia, Venezuela và Peru dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2024 sau khi mùa mưa bắt đầu rút đi vào tháng 5.

Việc bảo vệ Amazon - khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới được coi là quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu vì lượng lớn khí nhà kính mà cây cối ở khu vực này hấp thụ. Hạn hán đã làm giảm mực nước sông ở nhiều nơi trong khu vực xuống mức thấp kỷ lục.

Bà Regina Rodrigues - đồng tác giả nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Đại học Liên bang Santa Catarina ở Brazil - cho rằng chúng ta nên thực sự lo lắng với sức khỏe của rừng Amazon.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hạn hán có thể làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng, mà khi kết hợp với biến đổi khí hậu và nạn phá rừng có thể đẩy Amazon nhanh hơn đến điểm không thể quay trở lại, sau đó quần xã sinh vật khô cạn và không còn là rừng nhiệt đới tươi tốt.

Nghiên cứu cho thấy, sự nóng lên định kỳ ở Đông Thái Bình Dương hay còn gọi là El Nino cũng góp phần làm giảm lượng mưa, mặc dù nhiệt độ không cao hơn.

The bà Rodrigues, trong khi khu vực này đã phải đối mặt với ít nhất ba đợt hạn hán dữ dội khác trong 20 năm qua, thì quy mô của đợt hạn hán này là chưa từng có và ảnh hưởng đến toàn bộ lưu vực sông Amazon.

Ở Brazil, một nhánh chính của sông Amazon đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ghi chép bắt đầu vào năm 1902, với những dòng suối nhỏ hơn hầu như biến mất.

Mai Phương