Xét tuyển học bạ: Dễ tuyển sinh nhưng khó công bằng
Theo đề án tuyển sinh năm 2024 đã được công bố, nhiều trường đại học (ĐH) dự kiến bỏ phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông (THPT). Theo đánh giá, phương thức xét tuyển học bạ “dễ” tuyển sinh nhưng lại khó đảm bảo tính công bằng.
Phương án tuyển sinh năm 2024 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố cho thấy, nhà trường chỉ có 2% chỉ tiêu xét tuyển thẳng, 18% chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT và 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng. Như vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã không còn phương thức tuyển sinh bằng học bạ THPT. Không chỉ riêng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, năm 2024 Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Luật TPHCM cũng không xét tuyển bằng học bạ.
Theo TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Nha Trang), năm 2019 là năm đầu tiên đưa phương thức xét tuyển học bạ vào tuyển sinh. Tuy nhiên, những năm sau đó Trường ĐH Nha Trang đã ngừng phương thức xét tuyển này bởi mức độ tin cậy không cao. Thực tế, từ kết quả học bạ bậc THPT, nhất là kết quả lớp 12, có thể ở một thời điểm, một môn học thí sinh học chưa đều, bên cạnh đó, mỗi trường, mỗi giáo viên, từng vùng miền sẽ có cách đánh giá khác nhau. Việc ghi nhận kết quả học tập khác nhau nên nếu sử dụng kết quả học bạ xét tuyển ĐH sẽ tạo ra sự không công bằng.
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho biết: Tuyển sinh ĐH thông qua học bạ có thể giúp các trường dễ dàng tuyển sinh nhưng khó đảm bảo công bằng. Bởi hiện nay chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất và đánh giá của các cơ sở giáo dục khác nhau, có thể học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia lại chưa nổi trội.
Dẫu thế, tính đến thời điểm này có khoảng 60 trường ĐH thông báo xét tuyển bằng học bạ mùa tuyển sinh 2024. Cho dù một số trường giảm chỉ tiêu, đặt thêm điều kiện xét tuyển cho phương thức này, song nhìn chung vẫn có nhiều trường xét tuyển ĐH bằng học bạ. Trước lo ngại tình trạng làm đẹp học bạ để xét tuyển ĐH, nhiều trường đã vừa công bố kết quả học tập sinh viên xét tuyển học bạ, cho thấy kết quả rất khả quan.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) nhận định, kết quả xét tuyển bằng học bạ vẫn có độ tin cậy nhất định. Qua so sánh điểm học tập của sinh viên trúng tuyển năm 2021, ông Nhân cho biết, năng lực học tập của những em trúng tuyển bằng học bạ tương đương nhóm dùng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã công bố kết quả phân tích điểm trung bình tích lũy của sinh viên trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển vào khác nhau vào trường. Kết quả này được thực hiện trên dữ liệu của hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển vào trường trong 3 năm 2020, 2021 và 2022. Thống kê 3 năm nói trên cho thấy nhóm vào trường bằng học bạ luôn có điểm trung bình học tập cao hơn 0,11 - 0,25 so với nhóm đỗ bằng điểm thi tốt nghiệp. ThS Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho biết, con số trên thể hiện kết quả học tập của sinh viên xét tuyển bằng hình thức học bạ đều cao hơn so với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, kết quả theo phương thức này thấp hơn các phương thức tuyển thẳng.
Trường ĐH Công Thương TPHCM cũng đã công bố tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp ĐH các năm 2019 đến 2023. Đánh giá của trường, kết quả học tập của sinh viên xét bằng phương thức học bạ có tỷ lệ tốt nghiệp tương đương so với sinh viên xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, với khóa tuyển sinh năm 2022, sau một năm học, tỷ lệ sinh viên đạt loại giỏi của nhóm xét học bạ và nhóm sử dụng điểm thi tốt nghiệp cùng trong khoảng 17 - 20%, loại xuất sắc 3 - 7%.
Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề xuất bỏ xét tuyển ĐH bằng học bạ khi có hiện tượng “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở bậc THPT, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Luật Giáo dục ĐH năm 2018 cho phép các trường ĐH tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh ĐH do Bộ GDĐT ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường ĐH được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Cùng với đó, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh. Vai trò của Bộ GDĐT là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.