Kinh tế

Ngân hàng giảm lãi suất, cơ hội cho tín dụng phục hồi

T.Hằng 27/01/2024 08:45

Ngay trong tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động thúc đẩy tín dụng thông qua các gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và đơn giản thủ tục cho vay.

Điển hình, MSB, ACB, LPBank, Agribank…tung ra hàng loạt gói vay ưu đãi lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Với Agribank, do được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi so với năm ngoái, tương đương khoảng 175.000 tỷ đồng, nên việc phân bổ vào các lĩnh vực có tính chất mùa vụ dịp Tết Nguyên đán và quý 1 đã ngay lập tức được triển khai.

Để có được lượng vốn cho vay theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm, các kịch bản huy động nguồn vốn từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn cũng được các ngân hàng chủ động.

Với LPBank, dự kiến giải ngân khoảng 40% trong 6 tháng đầu năm và 60% còn lại sẽ tập trung cho nửa cuối năm.

Trong khi đó, đại diện Agribank cho biết ngay từ đầu năm nay, ngân hàng đã điều chỉnh chính sách lãi suất cho các khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Mức lãi suất này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, mức lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại vẫn có thể giảm thêm vì lãi suất tiết kiệm vẫn đang ở mức thấp, lãi suất tiết kiệm thường hạ trước và nhanh hơn, nên lãi suất cho vay thường sẽ hạ chậm hơn thường là 6 tháng, như vậy lãi suất cho vay vẫn còn dư địa hạ xuống thêm 0,5 - 1% nữa.

Kết quả điều tra xu hướng tín dụng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước công bố, các tổ chức tín dụng (TCTD) cho rằng diễn biến tăng trưởng thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh; cơ hội đầu tư, xuất nhập khẩu; chất lượng dịch vụ cải thiện là những nhân tố ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng DN. Trong khi ở chiều ngược lại, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tín dụng là những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng. 3 lĩnh vực gồm: Bán buôn, bán lẻ; Xuất, nhập khẩu; Sản xuất thức ăn và đồ uống được nhiều TCTD lựa chọn là động lực tăng trưởng tín dụng nhất trong năm 2024.

Giới chuyên gia cho rằng để tăng trưởng tín dụng hiệu quả và đi vào thực chất, bài toán đặt ra hiện nay vẫn là đẩy mạnh chính sách tài khóa và giảm hơn nữa lãi suất cho vay. Được xem là "đòn bẩy" nhỏ nhưng có thể tạo ra tác động tích cực lớn cho nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới, các chính sách thuế hỗ trợ đóng vai trò quan trọng.

Trong khi đó về định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

T.Hằng