Bảo vệ đàn gia súc trước rét hại kéo dài
Rét đậm rét hại kéo dài nhiều ngày qua ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của bà con nông dân. Các địa phương đã và đang nỗ lực bảo vệ đàn gia súc.
Tại Nghệ An, Hội Nông dân các cấp ở Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo bà con nông dân trong tỉnh tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.
Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, nhằm tránh tình trạng đàn vật nuôi chết vì rét, huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Đặc biệt là những vùng có nhiệt độ giảm sâu, cần sát sao chăm sóc đàn vật nuôi và thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch chăn thả gia súc, gia cầm hợp lý.
Ông Lương Hoàng Minh (nông dân ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) cho biết: Hàng năm gia đình ông luôn duy trì chăn nuôi từ 8 đến 10 con bò. Khi trời bắt đầu trở rét, gia đình ông đã chủ động chuẩn bị bạt, thức ăn, củi để che chắn, sưởi ấm cho đàn bò. Người dân ở địa phương cũng chủ động lùa trâu, bò, dê về chuồng và che chắn, kết hợp đốt lửa để sưởi ấm. Chính nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền và các cấp hội nông dân mà người dân đã chủ động hơn trong việc chăm sóc đàn vật nuôi tránh được những trường hợp thiệt hại không đáng có như thời gian trước do thời tiết gây nên.
Hiện toàn huyện Kỳ Sơn có tổng đàn trâu 11.740 con, đàn bò 47.290 con, đàn lợn 38.310, đàn gia cầm 430.000. Thời tiết rét đậm, rét hại dài ngày, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo hội nông dân các xã, chi hội nông dân thành lập các tổ xuống các bản và hộ gia đình hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói rét cho gia súc; di chuyển đàn trâu, bò thả rông về chỗ nuôi nhốt để kiểm soát.
Với đặc thù vùng núi cao, mùa Đông ở các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông nhiệt độ ban đêm có thể xuống đến 1-3 độ C kèm theo sương muối dày đặc làm cho lượng thức ăn giảm, khiến gia súc dễ mắc bệnh và dễ chết.
Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa rét, người dân các địa phương cũng đã thực hiện những giải pháp bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi khi thời tiết cực đoan xuất hiện, như: sửa chữa chuồng trại, nuôi nhốt gia súc, tích trữ thức ăn khô, che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm...
Tại Thanh Hóa, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm sâu vào ban đêm và sáng sớm đã tác động trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện Thường Xuân. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của chính quyền và người dân, công tác phòng, chống đói rét cho đàn trâu, bò đã được đảm bảo.
Gia đình ông Trần Văn Thế (thôn 3, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân) hiện đang nuôi 15 con trâu, bò. Trong những ngày trời rét, nhiệt độ giảm sâu, để bảo vệ đàn gia súc, ông Thế đã chủ động nhốt trâu, bò tại chuồng nhằm tránh rét cho đàn trâu, bò. Cùng với đó, tăng cường cung cấp thêm thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn trâu, bò.
"Nghe dự báo thời tiết, biết rét hại kéo dài với nền nhiệt dao động từ 10 - 12 độ C, gia đình tôi đã chủ động dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nhốt trâu bò tại chuồng và chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ. Cùng với đó, tôi chuẩn bị các vật dụng để sưởi âm cho đàn trâu, bò, chính vì thế đợt rét hại kéo dài nhiều ngày qua, gia đình không bị thiệt hại một con gia súc nào” – ông Thế chia sẻ.
Nhiều hộ nông dân ở huyện Thường Xuân cho biết, được xã tuyên truyền, khuyến cáo và hướng dẫn cách chăm sóc đàn trâu, bò khi thời tiết rét đậm, rét hại, các hộ nông dân đã chủ động nhốt trâu, bò ở trong chuồng, dùng bạt quây xung quanh để tránh rét. Được biết, trên địa bàn huyện Thường Xuân hiện có tổng đàn trâu, bò là 14.830 con. Trong đó, đàn trâu có 10.455 con, đàn bò 4.375 con. Để làm tốt công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, nhất là trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay, ngoài quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, huyện Thường Xuân đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cũng như kiến thức phòng, chống đói rét cho đàn trâu, bò.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn... và thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, tính đến hết ngày 25/1, đợt rét đậm, rét hại này đã làm 161 con gia súc bị chết, tăng 123 con so với ngày 24/1; trong đó tỉnh Lạng Sơn có 123 con gia súc bị chết.