Luống rau chờ Tết
Bây giờ, tôi đã rời khỏi nơi ấy, nơi mùa đông trải ra thênh thang trên cánh đồng tháng Chạp. Có những thời khắc đã in vào tim tôi một nỗi nhớ, tôi nhớ cánh đồng mùa đông ngay khi đứng trước chân trời mờ sương cùng những làn gió bấc hun hút thổi.
Lúc ấy ruộng đồng không còn màu xanh cây lúa, cỏ cũng úa tàn và gốc rạ thì đang dần khô rạc. Thi thoảng mới có vài vạt xanh mướt của những ruộng rau củ, hoa màu.
Làng tôi người dân chỉ chuyên canh lúa hai vụ chiêm mùa mà ít khi trồng màu. Đã có một năm mẹ tôi mua dây khoai lang về trồng trên thửa ruộng đầu làng, vừa để tăng gia sản xuất vừa cho chúng tôi bớt thời gian đi đùa nghịch. Chị tôi xin thêm mẹ tiền mua ít cây giống su hào, xà lách, hành củ, rau mùi… Chị bảo trồng để lấy rau ăn Tết.
Trồng màu là một công việc không hề đơn giản nhất là đối với lũ trẻ mới lớn chưa biết việc như chị em tôi. Hì hục cuốc, băm nhỏ đất, lên luống, trộn phân tro… khiến đôi tay chúng tôi phồng rộp. Chúng tôi cố nhìn cách mọi người xung quanh làm và cố gắng bắt chước sao cho luống rau nhà mình cũng thẳng tắp chứ không “ngoằn ngoèo như rắn lượn”.
Những buổi sáng mù sương, chị em tôi dắt nhau ra đồng gánh nước tưới rau. Mặt trời lên cao, ánh nắng rực rỡ đã làm tan sương mù nhưng gió thì vẫn lạnh buốt, nó chỉ làm đất ruộng nhanh chóng khô trắng. Những gáo nước tưới xuống luống đất khô trắng nghe xèo xèo. Mương nước phản chiếu ánh mặt trời rực lên như một tấm gương lớn ở tận tít đằng xa, phải lội qua hàng chục mặt ruộng cày nỏ mới gánh được nước về tưới. Đất luống cày thì cứng và gập ghềnh mà đôi thùng gánh nước nặng lại dài quá nên về được đến nơi thì nó đã vơi còn một nửa. Thời tiết hanh hao cộng với nước mương nhiều phù sa khiến cho tay chân chúng tôi mốc cời mốc thếch thậm chí nẻ toác.
Mỗi ngày được nhìn thấy từng cái mầm cây đang dần lớn, thấy dây khoai bắt đầu bén rễ và bò lan trên mặt luống là một ngày vui khó tả. Tôi ngắm những củ su hào và nhận ra nó được phình to từ thân cây, từ từ lớn dần như hạt lạc rồi bằng ngón chân cái, thoáng cái đã to bằng cái bóng đèn tôi vẫn học bài.
Khi được nhổ về ăn, nó có thể to gần bằng cái bát ăn cơm, còn lúc luống mùi già trổ hoa và đám hành cho củ to như ngón tay cái thì Tết sẽ đến. Những thúng trấu thúng tro bếp giúp cho rau củ nhanh lớn, ít sâu bệnh và tươi tốt khi trời càng cuối năm càng rét đậm.
Cánh đồng mùa này tĩnh lặng và hiu hắt. Nhưng không gian ấy thân mật và tuyệt vời hết sức với tôi bởi nó thơm nồng nàn mùi đất đai, cây cỏ và cả sương khói. Tôi cảm nhận được những mùi ấy và cứ tha thẩn cả buổi có khi chỉ để chờ ngắm một đàn chim đang vội vã bay về phía chân trời, thật kỳ lạ bởi chúng luôn xếp thành hình mũi tên rất cân đối và hướng về phía trước. Những tiếng chim rơi trong thinh không của buổi chiều mùa đông êm ả trên cánh đồng mờ sương luôn làm cho tôi có cảm giác mình đang đứng giữa một bức tranh, một bức tranh không nhiều màu sắc nhưng sống động vô cùng.
Vì thế dù có làm xong việc, chúng tôi cứ lang thang trên đồng bãi, vừa chơi vui vừa kiếm rau dại về cho lợn ăn. Khi nào chân tay tê cóng lại gom gốc rạ khô đốt, mùi khói nồng nàn ấy thường mang theo hương thơm của những củ khoai bé tí moi thử chỗ đầu luống. Ngày nào cũng vậy, chăm chút, yêu thương và chờ đợi ngày thu hoạch…
Những luống khoai sẽ được dỡ vào dịp cuối năm để lấy ruộng chuẩn bị bừa cấy lúa vụ xuân. Tôi thích mùi thơm nồng của luống đất nâu sẫm vừa cuốc bật ra để lộ những củ khoai nằm lốc nhốc. Luống hành củ mập mạp kia chỉ ngày mai thôi sẽ vào nằm trong vại để trở thành món dưa hành không bao giờ hiếu trong mâm cỗ Tết. Những củ khoai hồng hào, những cây rau xanh mướt, xinh đẹp và thơm lừng sẽ theo chúng tôi về nhà, biến thành món ăn ngon lành mẹ nấu.
Vài hôm nữa thôi, những củ khoai kia sẽ tặng cho chúng tôi món nướng “truyền thống” không thể thiếu trong khi bếp củi đun bánh chưng đầy than hồng rực. Chị tôi luôn bớt lại một ít su hào, rau mùi, hành củ và xà lách để mấy ngày Tết có rau tươi ăn bởi hồi ấy những ngày Tết không ai mang rau đi chợ bán cả.
Những thứ đó quan trọng hơn vật chất của một củ khoai hay cây rau. Khoảnh khắc đó tôi chợt nhận ra ruộng đồng, cây cỏ, và mình giống như là những người bạn, hiểu lòng nhau và sẵn sàng chia sẻ cho nhau cuộc sống. Những luống rau ngày ấy giờ chỉ còn là kỷ niệm nhưng trong tôi nó vẫn mướt xanh trong bức tranh chiều đông xa cũ ấy.