Tấp nập mùa cá ngừ sọc dưa
Không phải những con cá ngừ đại dương hàng trăm ký lô, thời gian này nhiều ngư dân vùng biển miền Đông Nam bộ đang vào mùa đánh bắt loại cá ngừ nhỏ hơn, cá ngừ sọc dưa. Dù giá trị kinh tế thấp nhưng may mắn có sản lượng lớn, cá ngừ sọc dưa vẫn mang tới nguồn thu nhập lớn cho ngư dân dịp đầu năm 2024.
Vào mùa cá ngừ sọc dưa
Trên bãi cát dài ở khu vực thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu), khi mặt trời vừa ló rạng phía xa xa đã có vài chiếc ghe cập vào bờ. Khu vực này trước kia từng là một trong những cảng cá lớn nhất phía Nam nhưng hiện đã được di chuyển, quy hoạch ở khu vực khác. Dù vậy, vẫn còn nhiều ghe, chủ yếu là ghe nhỏ của ngư dân địa phương đậu vào đây do gia đình sinh sống trong khu vực. Ngoài ra, khu chợ cá của người dân địa phương ở gần nên một số thương lái, chủ ghe vẫn giữ thói quen trao đổi mua bán tại đây. Anh Nguyễn Văn Thăng, 46 tuổi ở khu phố Hải Hà (thị trấn Long Hải) chủ một ghe cá hồ hởi cho biết chiều qua anh mới trúng mẻ cá ngừ sọc dưa.
“Cá sọc dưa thường đi theo đàn, chúng có nhiều từ đầu năm cho tới tận tháng sáu. Cá giờ chỉ tầm hơn ký lô mỗi con thôi nhưng cá tươi, thịt ngọt lắm. Ngư dân ở đây thường gọi cá ngừ này là cá của người nghèo. Bởi như cá ngừ đại dương người ta câu xong bán vài triệu hay chục triệu đồng mỗi con thì cá ngừ sọc dưa chỉ khoảng hai năm ngàn đồng mỗi ký. Mà cá này không to được, lúc lớn nhất chúng cũng chỉ tầm 3 ký lô mà thôi”, anh Thăng kể.
Theo người ngư dân này, mùa này nhiều ghe của ngư dân quanh đây cũng trúng được luồng cá ngừ sọc dưa.
“Trên biển mênh mông, mình gặp đàn cá nào thì đánh bắt được đàn cá đó thôi. Mùa nào thì biển cho cá đó. Mùa này ngoài cá ngừ sọc dưa còn có cá thu, cá ngân… Những ghe ở đây không phải ghe gần bờ cũng không phải ghe xa bờ, chỉ đánh bắt ở các ngư trường chừng dăm chục hải lý trở lại thôi. Có bữa tôi chạy ghe lên phía mấy giàn khoan dầu, có lúc chạy về phía đảo Phú Quý bên này. Mỗi chuyến biển trung bình chỉ hai, ba ngày mà thôi”, anh Thăng kể thêm.
Vừa xếp những con cá ngừ sọc dưa màu trắng bạc còn cả lớp phấn mỏng vào chiếc giỏ tre đưa vào bờ, anh Phạm Việt, bạn ghe của anh Thăng cười bảo đợt này gần tết nên cá về bao nhiêu thương lái lấy hết bấy nhiêu, rồi mang lên thành phố. “Bốn chuyến biển gần đây anh em chúng tôi đều lưới được rất nhiều cá ngừ sọc dưa. Cá này thì một trăm con cũng có kích cỡ y như nhau, nhìn rất đều đặn nên thương lái họ mua cũng thích. Năm vừa rồi chi phí đi biển nhiều cái tăng giá nên anh em bạn ghe đều lo lắng nhưng nếu cứ được mùa cá như hiện nay thì đi biển vẫn sống khỏe. Hy vọng những tháng tới, chuyến nào cũng nhiều cá như thế”, anh Việt cho biết.
Theo nhẩm tính của anh Việt, với lượng cá như chuyến này thì mỗi bạn ghe có thể thu về khoảng 2,5 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Ngoài ra, anh Việt cũng chia sẻ ghe của anh và một số ghe khác ở đây thường chia cá theo tỷ lệ thỏa thuận trước.
“Những ghe tàu lớn thì chủ họ đầu tư hết, rồi thuê công nhân đi biển, lương thỏa thuận. Mình đánh được nhiều hay ít thì cũng nhiêu đó lương. Còn ghe của anh em chúng tôi thì khác. Mấy anh em hùn tiền mua ghe, xong thỏa thuận mỗi chuyến biển. Như tôi chỉ được hai phần, anh Thăng đầu tư hết tiền xăng dầu, đá nước, cơm ăn nên được năm phần, còn lại là của hai bạn ghe nữa. Khi ghe cập bến, cá sẽ chia theo thuận trước rồi mọi người mới bán. Có lúc thì bán trước nhưng tiền cũng chia theo cách đó. Mấy tháng này biển êm là mùa kiếm cơm nên anh em đánh bắt xuyên Tết luôn chứ không ở nhà đâu”, anh Việt kể thêm.
Những chuyến biển xuyên Tết
Do vị trí địa lý nằm gần TPHCM và có thành phố biển Vũng Tàu đông khách du lịch nên hầu hết lượng hải sản đánh bắt được của ngư dân vùng Long Hải thường được tiêu thụ dễ dàng, thuận lợi hơn một số làng biển ở miền Đông hay miền Trung khác.
Thậm chí, nhiều ghe biển ở các địa phương lân cận sau mỗi chuyến biển cũng ghé lại khu vực các cảng cá ở đây để bán sản phẩm. Do đặc thù khu vực này bãi cát dài và thoai thoải, những khi thuỷ triều rút các ghe của ngư dân sau chuyến biển thường neo đậu ở ngoài xa chừng một, hai trăm mét. Sau đó ngư dân sử dụng chiếc thúng nhỏ vận chuyển cá, hải sản vào bờ để bán rồi cũng sử dụng chiếc ghe đó để vận chuyển nhu yếu phẩm cho chuyến biển tiếp theo.
Thời điểm đầu năm mới 2024 là lúc biển êm nên hầu hết các ghe ở đây đánh bắt liên tục. Sáng các ghe cập bến, bán sản phẩm rồi tiếp nhu yếu phẩm xong chừng đầu giờ chiều, ghe lại ra khơi. Họ thường đánh ở các ngư trường xa hơn ghe lộng (ghe đi về trong ngày) một chút và ở trên biển hai đêm rồi mới quay về.
Trong khi đó, những ghe lớn hơn thì sẽ ở trên biển lâu hơn do có thể tích trữ được nhiều đá lạnh, nhu yếu phẩm. Hầu hết các ghe này sẽ bán trực tiếp cá cho các ghe tải ở ngay trên ngư trường. Những chiếc ghe tải này hầu hết của chủ vựa thương lái lớn, họ liên tục đưa nhu yếu phẩm, đá lạnh từ đất liền ra ngoài ngư trường và thu mua hải sản đem về.
Trong khi đang ngồi đợi ghe lên đá, anh Đặng Văn Hạnh, một ngư dân bảo năm nay họ ăn Tết sớm vì trúng mùa cá ngừ sọc dưa. “Cá này dễ bán vì giá rẻ và dễ bảo quản.
Thường thì cá ngừ sọc dưa bán về các chợ truyền thống nhưng mùa này ghe nào lưới được nhiều, mấy nhà máy chế biến sản phẩm từ cá họ cũng mua. Bởi cá ngừ sọc dưa nhiều thịt, ít có xương, dễ chế biến lắm. Nhưng cá này chỉ bán tươi chứ không làm khô như những cá khác vì thịt chúng nạc lắm. Vùng biển này đầu năm nhiều đàn cá, nhưng tầm tháng ba là chúng ít đi. Bù lại lúc đó cá bự hơn”, anh Hạnh chia sẻ thêm.
Theo người ngư dân này, hầu hết ghe ở vùng biển Long Điền đánh cá ngừ sọc dưa bằng hình thức lưới kéo. Khi di chuyển trên biển, nhờ hệ thống máy dò đàn cá và phát hiện ra, ngư dân sẽ bủa lưới vây lại đánh bắt.
Trong khi đó, có nhiều năm thu mua hải sản ở khu vực ven biển thị trấn Long Hải, chị Nguyễn Thị Út, 42 tuổi bảo vựa của gia đình chị thường cung cấp cho nhiều bạn hàng trên TPHCM. “Cá ngừ sọc dưa ở đây chủ yếu là loại nhỏ do ngư dân làm nghề lộng chứ thi thoảng có ghe ở ngoài Phú Quý, La Gi họ ghé về đây thì cá ngừ sọc dưa bự lắm. Nhưng cá ngừ sọc dưa không phải cứ to là ngon đâu. Chủ yếu là cá tươi, biết cách bảo quản nữa. Mấy ghe lớn họ đánh bắt cả tuần, có khi mười ngày mới về thì cá bị tróc hết phấn, bán rất khó. Vựa của tôi uy tín, mối hàng trên TPHCM họ khó tánh lắm, phải chọn cá ngon mới được. Ở đây mấy ghe quen người ta ứng trước tiền đá, tiền dầu không à. Mà cá không đúng tôi cũng không lấy đâu”, chị Út cho biết.
Trò chuyện với những người dân ở đây chừng hơn một giờ đồng hồ thì mặt trời đã lên cao, và thêm vài chiếc ghe cá nữa cũng cập bến. Lúc này cả một bãi cát dài được phủ gần kín cá ngừ sọc dưa, chỉ có rất ít các loại cá nhỏ khác dính lưới của ngư dân.
Những rổ cá ngừ dọc sưa được thương lái thu mua, đánh số thứ tự cẩn thận và chuẩn bị cho lên xe đông lạnh đưa về các thành phố lớn tiêu thụ. Còn những ngư dân này, họ sẽ ăn vội bữa cơm trưa để tiếp tục một chuyến đánh bắt trên biển quê hương như hàng chục năm qua vậy.