Kinh tế

Đặc sản vùng miền hút khách dịp Tết

NAM ANH 29/01/2024 09:08

Năm nay, các mẫu giỏ hàng Tết là đặc sản địa phương, đặc sản vùng miền, các sản phẩm mang thương hiệu Việt được người tiêu dùng chọn mua.

anhbaitren.jpg
Nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng được bày bán tại hội chợ ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh.

Đa dạng chủng loại

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tạo cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp giới thiệu đặc sản vùng miền tới người tiêu dùng Thủ đô, vừa qua Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội chợ Xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) gắn kết quảng bá du lịch địa phương tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Hội chợ diễn ra từ ngày 26/1 đến hết 30/1 đã thu hút hàng nghìn người dân về tham quan và mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Hội chợ với quy mô hơn 100 gian hàng của 50 đơn vị, doanh nghiệp của gần 20 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự và các khu không gian chung trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đặc sản đến từ các địa phương. Một số sản phẩm đặc sản nông sản nổi tiếng có thể kể đến như: chè Thái Nguyên, gạo Điện Biên, tương ớt Mường Khương, cam sành Hà Giang, thịt trâu gác bếp và nhiều những sản phẩm nông sản tiêu biểu cho ngày Tết đều có mặt tại hội chợ.

Có mặt tại hội chợ từ sớm, anh Nguyễn Quốc Cường (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đã lựa chọn mua được 10 giỏ qùa gồm những sản phẩm OCOP của các địa phương để đi biếu, tặng cho đối tác. “Năm nay kinh tế khó khăn, hơn nữa xu thế quà tặng cũng thay đổi mọi người thích nhận quà là những sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền hơn là rượu và bánh kẹo, hoa quả như mọi năm. Vì vậy tôi đã đến hội chợ lựa chọn được những sản phẩm mà mình ưng ý” - anh Cường cho hay.

Cũng theo anh Cường giá của đặc sản này không rẻ, chè ngon Thái Nguyên có giá từ 500.000 – 700.000 đồng/kg, thịt trâu gác bếp có giá từ 800 nghìn – 1,1 triệu đồng/kg, mứt dừa non có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg.

Thực tế cho thấy, không chỉ tại hội chợ, đặc sản vùng miền đang trở thành từ khóa được nhiều người tìm kiếm cũng như đặt hàng nhiều nhất trên sàn giao dịch điện tử. Đơn cử như chỉ cần gõ “đặc sản vùng miền” trên nền tảng Google sẽ hiện lên vô số những lời quảng cáo cũng như giá của từng đặc sản vùng miền. Miền núi phía Bắc có thịt lợn xông khói, thịt trâu gác bếp, nấm hương, măng khô, mắc khén, hạt dổi… Sản phẩm miền Trung, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, có đặc sản nem chua, giò bê, bánh tôm, trái cây sấy, khô gà lá chanh, hạt điều, rong biển...

Tăng cường kết nối giao thương

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Các hệ thống, đơn vị bán lẻ đã cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm “made in Vietnam” đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng và mẫu mã, bao bì ngày càng bắt mắt để phù hợp với nhu cầu chi tiêu tiết kiệm, phù hợp với người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để sản vật, đặc sản Việt phát triển tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy việc quản lý bán hàng trên sàn thương mại vẫn chưa được kiểm soát chặt, rất nhiều sản phẩm quảng cáo trá hình là đặc sản, sản phẩm OCOP với giá rẻ để lừa người tiêu dùng.

Đơn cử như vẫn đặc sản thịt trâu gác bếp nhưng trên mạng chỉ giao bán với giá từ 400.000 – 500.000 đồng/kg, thậm chí nếu mua nhiều chỉ còn giá 300.000 đồng đồng/kg. Trong khi đó theo đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mai thực phẩm Thảo Nguyên (Lào Cai), để làm được 1kg thịt trâu, bò khô gác bếp người sản xuất cần khoảng 3 – 3,5kg thịt tươi. Hiện 1kg thịt trâu tươi đã 250.000 – 270.000 đồng/kg. Vì vậy, để có lãi thì giá bán trung bình 1kg thịt trâu gác bếp chính hiệu khoảng 900.000 – 950.000 đồng/kg. Chính vì vậy, với những sản phẩm giá rẻ, người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn để tránh cảnh “tiền mất tật mang”.

Cũng theo đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại thực phẩm Thảo Nguyên, trong thời gian gần đây người dân có xu hướng tiêu dùng và chọn lựa đặc sản Việt trong bữa ăn hàng ngày cũng như dịp lễ Tết. Tuy nhiên những doanh nghiệp làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo chất lượng đang gặp khó ở khâu đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Vì vậy, việc các tỉnh, địa phương lớn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao thương rất có ý nghĩa. Qua hoạt động này doanh nghiệp có được cơ hội quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, bà Quỳnh Trang - Giám đốc Hợp tác xã Đông trùng hạ thảo Quỳnh Trang (TP Thái Nguyên) chia sẻ, hội chợ đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp đưa sản phẩm đặc sản Thái Nguyên như trà, măng, miến, nấm hương… tiếp cận người tiêu dùng. Đồng thời đây còn là cơ hội để đơn vị kết nối hợp tác với doanh nghiệp bán lẻ Thủ đô đưa hàng vào hệ thống siêu thị tiêu thụ.

Bộ Công thương khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua sắm trên mạng, đặc biệt là nông sản, thực phẩm cần tham khảo các đánh giá, phản hồi của các khách hàng từng mua sản phẩm để có nhận định đúng về gian hàng. Ngoài ra, cần kiểm tra các thông tin liên hệ với người bán như số điện thoại, địa chỉ giao dịch để có sự kiểm chứng khi cần thiết.

NAM ANH