Giám sát - Phản biện

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát

H.Vũ 30/01/2024 07:17

Việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; lan tỏa, tạo động lực hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

anh29-1.jpg
Một phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội. Ảnh: V.T.

Kết quả giám sát đã từng bước tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.

Tuy nhiên, điều được cử tri và nhân dân mong đợi sau giám sát chính là việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát để giám sát “đi đến tận cùng” vấn đề, giải quyết những bất cập cũng như để giám sát phát huy tối đa hiệu quả, hiệu lực, đảm bảo tính nghiêm minh trong thực hiện pháp luật.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, việc thực hiện các giải pháp, cam kết, lời hứa sau chất vấn cần được hiện thực hóa, triển khai bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể. Để tăng sức nặng của hoạt động giám sát cần nghiên cứu các hệ quả sau giám sát các phiên chất vấn, giải trình; theo dõi, đánh giá việc thực hiện các cam kết, lời hứa của những người đứng đầu.

Ông Ngô Quyền - Phó trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai cho rằng cần bổ sung những quy định về chế tài xử lý trong hoạt động giám sát để tăng cường thêm sức mạnh của HĐND ở địa phương. Ông Quyền nêu ví dụ khi so sánh với chức năng kiểm tra của cấp ủy, thanh tra của UBND và Kiểm toán nhà nước thì rõ ràng giám sát của HĐND chỉ kiến nghị, đề xuất. Do đó, cần sửa luật và quy định rõ Đoàn giám sát của HĐND sau khi gửi kiến nghị yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan có thẩm quyền đó không tiếp thu, giải quyết thì phải chịu hậu quả gì?

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định cụ thể biện pháp, chế tài để xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ các kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND nói chung và Tổ đại biểu HĐND nói riêng sau giám sát của các đoàn giám sát mà không có lý do chính đáng.

Tương tự, từ thực tế trong hoạt động giám sát tại địa phương, bà Ma Thị Thuý - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng cần tiếp tục chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát; chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát, trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh.

Theo bà Bùi Thị An - ĐBQH khoá XIII, nếu “hậu giám sát” mà làm không tốt thì tất cả công sức của quá trình giám sát để đi đến kiến nghị bị lãng phí. Cần phải kiểm tra lộ trình thực hiện những kiến nghị mà đoàn giám sát đã chỉ ra. Vì thế hậu giám sát không chỉ 1 lần, 2 lần, hay 3 lần mà phải cương quyết cho đến khi thực hiện xong kết luận sau giám sát. “Điều đó thể hiện sự cương quyết, giám sát đi đến tận cùng của vấn đề” - bà An nói.

H.Vũ