Giảm áp lực thành tích “học giỏi”
Theo Thông tư 22, kết quả đánh giá học sinh Trung học cơ sở (THCS) có nhiều điểm khác so với trước. Trong đó, việc bỏ danh hiệu “học sinh tiên tiến” và chia học sinh giỏi thành 2 mức giỏi và xuất sắc khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Giảm áp lực về thành tích
Chị Nguyễn Minh Nhật (ở Khu đô thị Hồng Hà Eco, Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, kết thúc học kỳ I vừa qua, lớp con chị có 34/45 bạn đạt học sinh giỏi và xuất sắc. Đây là một kết quả gây bất ngờ với chị và nhiều phụ huynh trong lớp bởi trước đó con học cấp tiểu học, lớp nhiều lắm chỉ có 20/50 học sinh xuất sắc mà lên cấp THCS, bài vở nặng hơn, khó hơn, tại sao lại lạm phát học sinh giỏi hơn hẳn?
Sau khi tìm hiểu, chị Nhật cho biết, vấn đề hóa ra nằm ở quy định của tên gọi. Cụ thể, trước đây có danh hiệu học sinh tiên tiến nhưng hiện nay đã không còn danh hiệu này, cũng không có học sinh yếu, kém mà chỉ có học sinh lưu ban nếu không đạt một số điều kiện.
“Khi tôi tìm hiểu nhiều lớp khác trong khối thì được biết, cũng có lớp chỉ có 4 - 5 cháu đạt học sinh giỏi, không phải lạm phát học sinh giỏi như một số phụ huynh lo lắng. Cô giáo giải thích đây là lớp chọn, các con học đồng đều hơn và đã có sàng lọc từ đầu vào nên thành tích cao hơn các lớp khác là bình thường” - chị Nhật bày tỏ. Dẫu vậy, là một phụ huynh, chị Nhật vẫn băn khoăn vì thực chất gọi là “giỏi” nhưng chỉ tương đương với khá, tiên tiến trước đây nên chị phải phân tích kỹ để con không ngộ nhận, nghĩ rằng mình đã học rất tốt mà chểnh mảng, chủ quan.
Ngoài hai mức giỏi và xuất sắc, việc khen thưởng học sinh THCS theo Thông tư 22 còn có mức hoàn thành, không phân biệt học sinh trung bình như trước đây khiến học sinh cũng hào hứng hơn.
Cô giáo Phùng Thị Loan (THCS Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, trước đây, theo Thông tư 58/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh sẽ được xếp loại học lực học kỳ, cả năm căn cứ theo điểm trung bình các môn học. Trong đó điểm trung bình các môn học kỳ, cả năm là trung bình cộng của điểm trung bình môn học kỳ, cả năm của các môn học đánh giá bằng điểm số. Với cách đánh giá mới theo Thông tư 22 áp dụng 3 năm trở lại đây, sẽ không phân biệt môn chính, môn phụ, đánh giá không còn loại kém, yếu, mà theo 4 mức độ: Tốt - Khá - Đạt - Chưa đạt. Việc không so sánh học sinh này với học sinh khác… khiến cả thầy và trò giảm áp lực về thành tích. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển năng lực mà chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra. Dẫu vậy, mỗi trẻ đều có những năng lực vượt trội riêng nên ngay cả việc công nhận đạt học lực giỏi và xuất sắc đều chỉ mang tính tương đối, chưa phản ánh hết tất cả ưu điểm, hạn chế của con nên các bậc phụ huynh nên bình tĩnh đón nhận và giúp con phát huy hết điểm mạnh, khắc phục điểm yếu.
Tuyên truyền để phụ huynh, xã hội đồng thuận
Theo Thông tư 22, học sinh được đánh giá các môn học bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số thể hiện rõ hơn quá trình tiến bộ của mỗi học sinh. Đồng thời, việc chỉ tính điểm trung bình theo từng môn học mà không yêu cầu cộng điểm trung bình của tất cả các môn như trước đây sẽ giúp học sinh nhìn nhận rõ hơn thế mạnh, năng lực của mình ở từng lĩnh vực. Theo các chuyên gia, từ đây, học sinh và gia đình có sự nhìn nhận rõ ràng và định hướng để sau khi tốt nghiệp THCS sẽ chọn con đường nào tiếp theo. Đặc biệt, ở khối THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là học sinh tự chọn 4/9 môn học ngoài 6 môn bắt buộc nên cấp THCS chính là nền tảng quan trọng để xác định năng lực, thế mạnh của mỗi học sinh.
Bên cạnh đó, khi xếp loại không phân biệt môn chính, môn phụ sẽ hạn chế được việc coi trọng môn nọ mà bỏ bê môn kia, hạn chế học lệch cũng như có thể hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay. PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, Thông tư 22 đã giảm bớt thành kiến của xã hội trong việc phân loại học sinh, hướng đến giáo dục các em một cách toàn diện hơn. Tuy vậy, việc triển khai có thể gặp trở ngại nếu phụ huynh, học sinh và giáo viên vẫn còn đặt nặng áp lực thành tích.
Vì vậy, giải pháp trước mắt vẫn là tăng cường tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong giáo viên, phụ huynh và học sinh, tránh tâm lý coi trọng điểm số, giấy khen. Từ phía ngành giáo dục cũng cần thay đổi cách đánh giá các cơ sở giáo dục - đào tạo để nhà trường không bị áp lực về thành tích, hướng đến dạy thực chất, học thực chất và điểm số thực chất. Một số chuyên gia cũng đề xuất cần tăng cường đánh giá thường xuyên thông qua hỏi đáp, viết thuyết trình, thực hành thí nghiệm, sản phẩm học tập. Do đó, học sinh được đánh giá nhiều góc độ, phù hợp với định hướng phát triển năng lực.
PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, Thông tư 22 đã giảm bớt thành kiến của xã hội trong việc phân loại học sinh, hướng đến giáo dục các em một cách toàn diện hơn. Tuy vậy, việc triển khai có thể gặp trở ngại nếu phụ huynh, học sinh và giáo viên vẫn còn đặt nặng áp lực thành tích.