Nhân lên nét thanh lịch người Hà Nội
Mặc dù Hà Nội luôn chú trọng xây dựng, phát triển văn hoá, con người Thủ đô, song hiện vẫn còn không ít vấn đề chưa đẹp trong văn hoá ứng xử, trong nền nếp gia đình. Thực tế này đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa trong xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô, cũng như chuẩn mực người Hà Nội.
Bao đời nay, gia đình là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị tốt đẹp. Giá trị văn hoá gia đình người Việt Nam, trong đó có văn hoá gia đình người Hà Nội là cơ sở rất quan trọng cho việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Dẫu thế, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, văn hoá gia đình ở Hà Nội hiện nay đang chịu nhiều thách thức, nhiều giá trị đã và đang bị mai một.
Chú trọng hệ giá trị gia đình
Những năm qua, Hà Nội đã không ngừng đổi mới, ban hành và xây dựng chương trình nhằm tăng cường các giải pháp về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với tình hình hiện nay. Có thể kể đến Chương trình về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Nội dung của chương trình đã xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, xác định nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hoá Thủ đô thời kỳ mới.
Tại tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực trạng và giải pháp” mới đây, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh, việc nghiên cứu xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội là hiện thực khách quan, mang tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới ở Thủ đô, nhất là quá trình đô thị hoá đang diễn ra theo chiều hướng “văn hoá khó bắt kịp”, vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập, gây nên nhiều hệ lụy. Theo ông Hồng, vấn đề là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại hay chưa? Những giá trị nào trong hệ giá trị gia đình truyền thống của Hà Nội cần được gìn giữ, phát huy? Những giá trị nào cần bổ sung? Và giải pháp nào cho nhiệm vụ này? Có thể thấy trong hàng loạt vấn đề cũ, mới song đều đặt cho văn hoá Hà Nội những nhiệm vụ mới, trong điều kiện mới, cần triển khai một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi.
Trong khi đó, PGS.TS Lương Đình Hải - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, Hà Nội đã rất nhanh nhạy, sáng tạo và thiết thực khi là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa vấn đề trên ra bàn thảo, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân từ thành phố tới cơ sở về việc gìn giữ, bồi đắp và lan tỏa văn hoá nói chung; vai trò, tầm quan trọng của việc định hình hệ giá trị gia đình và chuẩn mực văn hoá Thủ đô nói riêng. Ông Hải cho rằng, điều cần quan tâm phân tích, bàn thảo chính là làm cho rõ được hệ giá trị và chuẩn mực văn hoá tiêu biểu của người Hà Nội trong hàng trăm, hàng ngàn những giá trị văn hoá tốt đẹp hiện hữu từ xưa tới nay, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, lan tỏa.
Theo GS.TS Lê Thị Quý - Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam, trong nấc thang giá trị xã hội và gia đình ở Thăng Long - Hà Nội, những chuẩn mực về tình thương yêu, đức hi sinh, sự thủy chung luôn được đặt lên vị trí cao nhất. Nhờ quan điểm sống ấy, mà người Hà Nội đã duy trì được một sự hài hòa trong các quan hệ xã hội, làm hạn chế phần nào những sự phát triển của tính vị kỷ, tạo ra được một sức mạnh chung để gắn kết gia đình và cộng đồng.
Đẩy lùi tệ nạn, phát huy giá trị tốt đẹp
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp về việc xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tại đây, các chuyên gia đã chỉ ra rằng thực tế cuộc sống diễn ra phức tạp. Bên cạnh những mặt tích cực, vấn đề văn hoá, gia đình trên địa bàn Thủ đô cũng nảy sinh những bất cập. Thí dụ như sự gia tăng của những tình trạng ly hôn, ly thân, ngoại tình; sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình; lối sống buông thả, vị kỷ, đề cao vật chất...
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng, trên phương diện đạo đức, lối sống, đời sống văn hoá, lối sống, nếp sống của người Hà Nội vẫn còn không ít những biểu hiện không đẹp, tiêu cực. Hệ giá trị văn hoá truyền thống bị xáo trộn, trong khi những giá trị mới tốt đẹp chưa được khẳng định.
TS Phạm Thị Thu Hương (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) cũng cho rằng, sự lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp đang bị mai một. Nhiều thói xấu của người dân như lối sống xô bồ, hành vi ứng xử thiếu văn hoá trong gia đình, nhà trường, xã hội… có chiều hướng gia tăng, dần làm mất đi hình ảnh đẹp của người Hà Nội. Theo bà Hương, để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô hiện nay cần nâng cao nhận thức của người dân Thủ đô về vai trò, tầm quan trọng của các giá trị văn hoá truyền thống, của hệ giá trị gia đình. Cùng với đó, tuyên truyền chủ trương xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng lan tỏa sâu rộng. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức, nhất là Hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc vun đắp các giá trị văn hoá, giá trị gia đình qua các cuộc vận động, phong trào thi đua của Hội, xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phục nữ trong xây dựng gia đình.
Theo phân tích của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, văn hoá gia đình ở Hà Nội hiện nay đang chịu nhiều thách thức. Sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực trong gia đình đã diễn đạt một cách dễ dàng và khá phổ biến. Sự xuất hiện các kênh giao tiếp gián tiếp với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại cũng làm suy giảm mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình, sự gắn bó, giao tiếp trở nên xa cách, lỏng lẻo hơn. Đặc biệt là tình trạng bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng, mặc dù mặt bằng dân trí ngày càng nâng cao. Các giá trị văn hoá gia đình truyền thống đang có biểu hiện phai nhạt, đổ vỡ. Nhiều tệ nạn xã hội đang xâm nhập ngày càng nhiều vào các gia đình. Sự phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức.
Ông Ngọc cho rằng, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cần xây dựng dự thảo Bộ quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình (trong đó cần đưa ra cụ thể những điều nên làm và không nên làm trong từng mối quan hệ trong gia đình) để làm cơ sở khuyến khích, động viên người dân thực hiện nhằm xây dựng Thủ đô văn minh.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, việc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh có mối quan hệ chặt chẽ, tuy một mà hai, tuy hai mà một. Chính vì vậy, xây dựng hệ giá trị cốt lõi của gia đình không thể tách rời giá trị thanh lịch, văn minh - nét truyền thống, vốn tinh hoa mà ông cha đã trao truyền lại cho mỗi người dân Hà Nội. Ngược lại, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là sự thể hiện ra bên ngoài xã hội của những giá trị mà mỗi cá nhân đã được bồi đắp, giáo dục từ trong gia đình.
Theo GS.TS Lê Thị Quý - Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam, các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống của nhân dân, không đưa những tiêu chí chung chung mà cần đưa những tiêu chí cụ thể, dễ hiểu. Cần có sự đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho phong trào xây dựng gia đình văn hoá.