Đề phòng tai nạn sinh hoạt ở trẻ nhỏ
Tai nạn sinh hoạt luôn là mối đe dọa rình rập trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi. Mỗi năm, hệ thống bệnh viện trên cả nước tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn sinh hoạt, có trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận và điều trị cho 3 trẻ là chị em ruột nhập viện trong tình trạng nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm.
Người nhà 3 bệnh nhi cho hay, các bệnh nhi bao gồm N.G.B. (5 tuổi), N.H.A. (8 tuổi) và N.T.H.P. (13 tuổi) trú tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã uống nhầm thuốc điều trị bệnh trầm cảm của người lớn trong nhà. Khi bố mẹ phát hiện sự việc, cả 3 bé đã rơi vào tình trạng hôn mê, co giật. Ngay lập tức, trẻ được vận chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. 2 chị gái là cháu A. và P. vào viện trong tình trạng suy hô hấp, co giật, hôn mê. Đặc biệt nguy kịch là trẻ 5 tuổi, khi vào viện đã ngừng hô hấp, tuần hoàn. Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn trẻ có tim trở lại. Cả 3 bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính ngay tại khoa Cấp cứu và chuyển khoa Hồi sức Tích cực chống độc điều trị tiếp.
Ngay trong đêm, các bác sĩ xác định, với tình trạng quá nặng, 3 bệnh nhi không thể chuyển tuyến do nguy cơ tử vong trên đường đi là rất cao. 3 trẻ được điều trị tích cực tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Với sự nỗ lực không ngừng, phác đồ chuẩn, hiện, cả 3 trẻ đều đã được ra viện.
Theo các chuyên gia, ngộ độc thuốc chống trầm cảm là ngộ độc cấp tính, trên lâm sàng là rất khó tiên lượng, có thể chuyển biến nguy kịch rất nhanh chỉ trong vài giờ sau khi được đưa đến cấp cứu và có thể gây tử vong do loạn nhịp tim, hạ huyết áp hoặc không kiểm soát được các cơn co giật.
Đáng nói, trường hợp ngộ độc thuốc, hóa chất tại nhà như 3 bệnh nhi nói trên không hề hiếm.
Số liệu từ Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, số trẻ phải vào cấp cứu do uống nhầm thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu, dầu hỏa, hóa chất tẩy rửa,… hay uống nhầm các chất gây nghiện, thuốc ngủ, thuốc an thần của người lớn… dẫn đến các tổn thương rất nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch tính mạng là không hề hãn hữu.
TS.BS Lê Ngọc Duy - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, tai nạn ngộ độc thường xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò, thích ăn hoặc uống những gì nhìn thấy hấp dẫn hay có màu sắc sặc sỡ có sẵn ở gia đình.
“Việc cha mẹ bất cẩn, chủ quan đựng các dung dịch cọ rửa, thuốc chuột, cồn, xăng dầu… vào các vỏ chai nước suối, nước ngọt, các chai lọ với màu sắc bắt mắt, hay để thuốc (giảm đau, an thần…) ở những nơi dễ thấy, trong tầm tay với của trẻ (bàn ăn, bàn trang điểm, bàn làm việc…) chính là mối nguy hiểm tiềm tàng về ngộ độc thuốc, hóa chất cho trẻ. Bệnh nhân ngộ độc gặp ở trẻ từ 1 - 5 tuổi, đây là nhóm tuổi thích tò mò, khám phá nhưng lại chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại” - BS Duy lý giải.
Thế nhưng, ngộ độc thuốc, hóa chất chỉ là một trong những nguy cơ trong rất nhiều những nguy cơ khác có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ nhỏ trong sinh hoạt.
Trong lúc đang nô đùa tại nhà, bé N. T. (10 tuổi, Hà Nam) đã bị trượt chân ngã khi chạy lên bậc cầu thang, trẻ bị đập mạnh vùng thắt lưng bên phải vào thành của bậc cầu thang. Sau khi ngã, bé khóc kêu đau vùng thắt lưng bên phải nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, được người nhà xoa dầu và dán cao theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, sau 2 ngày, bé vẫn liên tục kêu đau, nên được gia đình đưa đến khám tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Tại đây, trẻ được các bác sĩ thăm khám và phát hiện thận phải bị chấn thương nặng và ngay lập tức trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục điều trị.
“Tôi cứ nghĩ là con ngã bình thường như mọi lần chơi đùa vì bên ngoài da không thấy vết bầm tím và không sưng nên tôi đã chủ quan không cho con đi khám ngay” – mẹ của bé T. cho hay.
Trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, bụng chướng, có khối máu tụ lớn sau phúc mạc. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán chấn thương thận phải độ IV, nhu mô bị tách làm 2 phần và tụ máu lớn quanh thận.
TS.BS Hoàng Hải Đức - Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, mỗi năm, đặc biệt vào dịp hè dịp Tết, khoa tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện do tại nạn sinh hoạt với các mức độ khác nhau. Nhiều trường hợp thương tổn nhẹ, sau điều trị có thể phục hồi, nhưng cũng có những thương tổn nặng không thể phục hồi như đứt lìa ngón, cánh tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân, thậm chí có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng.
Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần chú ý đến những tình huống có thể gây rủi ro cho trẻ. Ví dụ như các đồ vật thủy tinh, vật sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi, … gần khu vực trẻ chơi. Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và luôn để ý trẻ chơi trong tầm mắt của người lớn. Khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc,cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát của người lớn. Bên cạnh đó, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần cùng trẻ tìm hiểu, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn.