Ngộ độc thực phẩm, Tết đến lại lo
Những ngày cận Tết, thực phẩm được tiêu thụ với số lượng lớn. Đây cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả trà trộn đưa vào thị trường.
Nhiều ca ngộ độc, nhiễm bệnh nặng
Dù là thời điểm giáp Tết, nhưng rất nhiều người ở khu vực Nam Trung Bộ bị ngộ độc cá nóc, trong đó có người đã tử vong. Tại Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam, các bác sĩ chuyên khoa đang tích cực điều trị cho 3 bệnh nhân là ngư dân ở xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) bị ngộ độc nặng do ăn cá nóc.
Theo BSCKII Trịnh Thị Mai Linh - Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam), cá nóc là loại cá nguy hiểm, người dân không nên sử dụng cá nóc làm thực phẩm để chế biến món ăn. Bởi, trong cá này có độc tố tetrodotoxin, khi ăn cá nóc người bệnh sẽ có biểu hiện tê cứng đầu lưỡi, mệt mỏi, hốt hoảng, yếu tứ chi, tụt huyết áp, mất ý thức, yếu liệt tay chân và có khả năng suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Mới đây, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, một người đàn ông đã tử vong vì mắc bệnh liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh trong buổi liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sự việc đau lòng này đã gióng lên hồi chuông báo động về thói quen thích ăn tiết canh. Theo BS Nguyễn Quốc Phương - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), nguyên nhân gây tử vong của bệnh nhân là do sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn có suy đa tạng, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu nặng. Người bị nhiễm liên cầu lợn có thể biểu hiện dưới nhiều thể lâm sàng khác nhau như viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn với suy đa cơ quan, viêm nội tâm mạc và viêm khớp.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn rất cao. Hiện tại, chưa có vaccine phòng bệnh liên cầu lợn ở người. Vì vậy, việc phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo an toàn lao động trong chăn nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến, ăn các sản phẩm của lợn được chế biến chín, không ăn tiết canh, lợn ốm, chết.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, Tết đến cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn đưa vào thị trường, cùng với thói quen ăn uống, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nhiều gia đình do tích trữ quá nhiều thực phẩm sống, chín lẫn lộn trong tủ lạnh và khi rã đông để gần nhau cũng là nguyên nhân góp phần gây nguy cơ ngộ độc.
Phát hiện nhiều thực phẩm bẩn
Càng gần đến Tết, số vụ việc thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng bắt giữ càng nhiều. Đây cũng là lời cảnh báo người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình và người thân. Theo cơ quan quản lý thị trường, những mặt hàng được gian thương nhắm tới nhiều nhất thời gian này là thịt, nội tạng động vật bởi nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao. Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho hay, ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM thời gian qua liên tục phát hiện những vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với những mặt hàng nói trên.
Sau 1 tháng ra quân tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm Tết (từ ngày 15/12/2023 đến 15/1/2024), Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, số sản phẩm bị thu giữ và tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, xuất xứ từ nước ngoài, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu. Đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm bao gói sẵn, phương thức thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, qua kiểm tra có những trường hợp thực phẩm đã hết hạn sử dụng nhưng chủ cơ sở không tiêu hủy. Thậm chí, không loại trừ khả năng có hiện tượng sản phẩm tẩy xóa hạn sử dụng.
Theo Bộ Y tế, vào dịp Tết thường xảy ra các vụ ngộ độc rượu, hoặc sau khi uống rượu lái xe, gây tai nạn giao thông. Các vụ ngộ độc rượu chứa methanol thường rất nặng và nguy kịch, thậm chí tử vong, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền người dân về tác hại của uống rượu, bia trong dịp Tết và lễ hội đầu xuân, đồng thời kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia nhằm siết chặt các hành vi vi phạm.
Ngành quản lý thị trường và các chuyên gia y tế khuyến cáo, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn hàng hóa tại các điểm kinh doanh, sàn thương mại uy tín; mua hàng có hóa đơn, chứng từ, nhãn mác rõ nguồn gốc nơi nhập khẩu, sản xuất; đồng thời kiên quyết tẩy chay các mặt hàng thiếu thông tin, xuất xứ.
Theo BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), người dân không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn để tích trữ. Nhiệt độ tủ lạnh bảo quản phải phù hợp để không làm biến chất thực phẩm, nên chế biến chín và hạn chế ăn các thực phẩm tái, sống. Khi mua thực phẩm tươi sống, người dân nên chọn mua ở những cửa hàng uy tín, nơi bảo đảm nhiệt độ bảo quản an toàn, còn nhãn mác, rõ nơi sản xuất và thời hạn sử dụng. Với thực phẩm đóng hộp, ngoài xem kỹ thời hạn sử dụng, cần chú ý không mua sản phẩm bị móp, bị phồng ở phần nắp hoặc thân hộp. Khi đó rất có thể sản phẩm đã hỏng hoặc nhiễm độc tố nguy hiểm.