Nghề bán dẫn không lo thất nghiệp
Việt Nam cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư bán dẫn/năm nhưng khả năng bổ sung cho nguồn nhân lực này chỉ đạt khoảng 20%. Trong đó, quá bán (52%) nhân lực chủ yếu tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch.
Doanh nghiệp về tận trường đón sinh viên
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh khi nói về nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực bán dẫn hiện nay. “Thu nhập của sinh viên tốt nghiệp các ngành này có thể lên tới 8 - 15 triệu đồng/ tháng, tùy từng doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, có những DN, sinh viên tốt nghiệp lớp chất lượng cao có thể nhận mức lương rất cao từ 18 - 20 triệu đồng/tháng” - ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, hiện nay sinh viên tốt nghiệp tại trường học chuyên ngành bán dẫn ngay từ năm cuối cấp đã được DN về tận trường “săn đón”.
Nói về tiềm năng của ngành bán dẫn, PGS.TS Nguyễn Đức Minh- Trưởng khoa Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, 100% sinh viên ngành thiết kế vi mạch ra trường có việc ngay. Mức lương khởi điểm khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Nếu theo nghề 5 - 10 năm, lương kỹ sư ngành này lên tới 60 - 70 triệu đồng/tháng.
Số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia cũng cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở TPHCM với trên 85%, tại Hà Nội khoảng 8% và Đà Nẵng khoảng 7%. Mỗi năm chỉ có khoảng 500 - 600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường đại học của Việt Nam. Trong khi đó, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Nắm bắt để đón sóng
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong việc thiết kế, sản xuất chip, vi mạch. Nếu không khẩn trương có giải pháp, nhân lực ngành bán dẫn sẽ lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”, không theo kịp sự phát triển của ngành. Trong báo cáo của Công ty Technavio, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn. Cùng sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác của nhiều quốc gia lớn trong lĩnh vực này.
Ông Huy cho rằng, bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đẩy mạnh đào tạo nghề hệ cao đẳng, trung cấp là giải pháp để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường. Theo ông Huy, khi mới tốt nghiệp DN cũng chưa đặt nặng vấn đề các em đào tạo ngành nghề thường hay chất lượng cao, nhưng thực tế khi các em làm việc nếu đáp ứng được các yêu cầu của các DN trong ngành bán dẫn thì họ sẽ đánh giá và họ sẵn sàng trả lương gấp đôi, gấp ba.
“Nắm bắt nhu cầu từ các DN, khu công nghiệp tại địa phương, trong năm 2022 và 2023, trường tổ chức đào tạo theo mô hình 1 + 1 + 1. Đó là 1 năm đào tạo tại nhà trường, 1 năm đào tạo tại trung tâm đào tạo của DN do các chuyên gia giảng viên của DN đào tạo, giảng dạy và 1 năm sẽ vào các vị trí việc làm tại các DN. Với mô hình này các em khi vào trường từ năm thứ nhất đã được các DN ký ngay hợp đồng lao động. Như vậy, các em được đảm bảo chắc chắn có việc làm ngay khi bước chân vào nhà trường” - ông Huy cho hay.
Nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định, để giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực, điều quan trọng nhất phải có sự tham gia chặt chẽ của Nhà nước, nhà trường, DN. Nhà nước kiến tạo bằng cơ chế chính sách, nhà trường tập trung vào việc xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho chuẩn, DN phối hợp với các trường đại học để đào tạo sinh viên ra trường có thể đảm nhận công việc được ngay.