Xã hội

Kiếm tiền triệu nhờ nghề cấy thuê

Điền Bắc 02/02/2024 07:06

Thợ cấy được sẽ trả công tuỳ theo khoảng cách xa hay gần, ruộng nông hay sâu, thậm chí nếu liên tục có công, thu nhập những ngày cận Tết còn cao hơn cả một tháng đi làm.

anh1baitren(1).jpg
Các nhóm thợ cấy lúa trên cánh đồng xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Điền Bắc.

Những ngày này, nhiều địa phương ở Nghệ An đã bắt đầu gieo trồng vụ Đông Xuân. Để kịp thời vụ hoàn thành trước Tết, người nông dân tại các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương…đã thuê thêm nhân công cấy lúa. Do máy móc chưa được phổ cập nên phần lớn việc gieo, cấy lúa vẫn đang sử dụng chủ yếu là sức người. Đặc biệt, tại những chân ruộng có bùn sâu, máy móc không thể đến được. Nhờ vậy, nghề cấy lúa thuê cận Tết nở rộ cuối năm, nhiều thợ cấy đã chớp thời cơ để kiếm tiền triệu, qua đó có thêm thu nhập cho cái Tết đầy đủ hơn.

Tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) nhiều gia đình có diện tích lớn ở đây đều thuê thêm nhân công để cấy lúa xuân cho kịp vụ. Để thuận tiện cho công việc, hầu hết những người đi cấy thuê đều lập nhóm từ 4 đến 6 người, nhận việc làm cùng nhau. Tùy vào khoảng cách xa hay gần, thợ cấy lúa được trả công 300.000 - 350.000 đồng/ngày. Dù ngày công khá cao nhưng khi vào cao điểm vụ cấy, nhiều gia đình có ruộng không dễ tìm được thợ cấy. Dù nhận việc theo ngày hay khoán thì chủ ruộng đều phải có mặt, nhổ mạ buộc thành từng bó rải đều lên ruộng trước khi thợ cấy lúa đến làm việc.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (trú tại xã Quỳnh Giang) chia sẻ, cả ngày chị phải cúi khom lưng, chân tay ngâm dưới bùn nên tối về lưng lại đau ê ẩm, mỏi gối. Sáng sớm lại phải dậy đi tiếp rồi. Phần lớn những người làm nghề này đều là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trung tuổi. Để đỡ chi phí xăng xe, thợ cấy lúa thường nhận việc ở những cánh đồng gần nhà. Chỉ khi nào những cánh đồng gần nhà hết việc, họ mới bắt đầu di chuyển đến những cánh đồng xa hơn. “Nghề cấy lúa thuê mỗi năm chỉ có 2 vụ, mỗi vụ kéo dài gần một tháng. Vất vả hơn làm việc khác thật. Nhưng được cái mình thích thì làm, mệt thì nghỉ. Dịp này, nếu chăm chỉ cấy thuê đến tết cũng kiếm được 8 đến 9 triệu đồng, có thêm tiền chi tiêu Ngày Tết” - chị Tuyết cho biết.

Cũng là con của nhà nông, chị Nguyễn Thị Hải (trú tại xã Quỳnh Thanh) chia sẻ thêm, tùy vào giống lúa, nhưng thường thì mỗi bụi lúa chỉ cấy một cây mạ. Tuy nhiên, mỗi hàng như vậy chúng tôi lại cấy thêm vài bụi 2 cây mạ để sau này cây nào chết, bị ốc ăn, chủ ruộng họ có thể chiết ra dắm vào được. “Cả ngày dầm mình dưới bùn, mỏi gối đau lưng, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì cái tết nên nhiều năm nay, chúng tôi tập hợp với nhau thành một nhóm, chớp thời cơ để đi cấy thuê, nên chỉ khoảng nửa tháng cuối năm thu nhập bằng cả tháng những nghề tự do khác” - chị Hải nói.

Không chỉ ở Quỳnh Lưu, tại vựa lúa Yên Thành, trên cánh đồng rộng lớn những nhóm thợ cấy thuê đang hoàn thành các sào ruộng mà mình nhận khoán. Theo đó, những nhóm nhận cấy thuê sẽ nhận giá từ 600.000 – 700.000 đồng mỗi sào, kết thúc ngày tiền công sẽ được chia đều cho từng người. Trung bình mỗi ngày, một người đi cấy thuê có thu nhập hơn từ 350-500.000 đồng. Chị Lê Thị Thanh (trú xã Khánh Thành) cho biết, vốn là nông dân nên việc cấy lúa không khó, tuy nhiên vì cấy để lấy tiền nên chúng tôi phải đẩy nhanh tiến độ, nếu không sẽ hết việc. Cũng theo chị Thanh, nhóm chị thường nhận cấy thuê với giá 700 ngàn/ 1 sào. Với 1 mẫu ruộng, 6 người trong nhóm (tầm 6 người) sẽ cấy trong vòng 2 ngày. Trung bình, mỗi ngày một người sẽ nhận được 500-600 ngàn đồng tiền công. Nhờ cấy thuê, chị Oanh và các thành viên có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, cái Tết năm nay họ có thêm kinh phí để mua sắm cho gia đình.

Theo ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành, toàn huyện đã triển khai xong khâu làm đất, các xã vùng chạy lụt đã gieo cấy được trên 8.000 ha lúa/12.700 ha. Huyện yêu cầu các địa phương sản xuất đúng lịch thời vụ để khép kín diện tích, lựa chọn đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Cung ứng đủ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành, toàn huyện đã triển khai xong khâu làm đất, các xã vùng chạy lụt đã gieo cấy được trên 8.000 ha lúa/12.700 ha. Huyện yêu cầu các địa phương sản xuất đúng lịch thời vụ để khép kín diện tích, lựa chọn đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Cung ứng đủ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Điền Bắc