Xã hội

Ngăn chặn tai nạn giao thông do rượu bia

Lê Anh Đức 02/02/2024 07:07

Thủ tướng Chính phủ đã có 2 công điện (số 10 và số 1300) yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp thiết thực phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT), giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ TNGT, số người chết và bị thương trong các vụ TNGT.

anh-bai-duoi-trai.jpg
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn quận 1, TPHCM. Ảnh: TTXVN.

Một trong những nguyên nhân gây TNGT nhiều nhất được chỉ ra là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn do uống quá nhiều rượu, bia. Dù thời gian qua, việc chế tài xử phạt nặng đối với những người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đã khiến nhiều “ma men” kinh hãi, giúp giảm sâu số vụ TNGT cũng như số người chết và bị thương do rượu, bia. Song, vẫn còn không ít người chưa biết sợ, vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đang say xỉn.

Như tin đã đưa, ngày 29/1, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ”. Đáng chú ý, một số ý kiến đưa ra đề xuất ngoài xử phạt vi phạm hành chính, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao cho dù chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nếu người vi phạm nồng độ cồn vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hình sự, kể cả chưa gây hậu quả.

Ông Minh đánh giá, hiện mức xử phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn đã tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt. Tuy nhiên, dù cao hay thấp vẫn chung một mức xử phạt, người uống 5 cốc bia hay 30 cốc đều bị phạt như nhau. Điều này chưa phù hợp và chưa tương xứng với mức độ vi phạm.

TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hiện nay trên thế giới, việc bỏ tù tài xế uống rượu bia đã được nhiều nước áp dụng như Nhật Bản, Czech, Slovakia... Việc xử lý nghiêm những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong khi say xỉn là điều hết sức cần thiết để tạo hiệu quả trong việc kéo giảm số vụ TNGT. Các nước có quy định pháp luật bỏ tù những người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, đều có số vụ TNGT giảm khá nhiều bởi chế tài này đủ sức răn đe mạnh.

Song, theo quy định hiện hành, đối với những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn ở mức cao chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính. Bộ luật Hình sự quy định: Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây TNGT để lại hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, với đề xuất xử lý hình sự người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nếu muốn thực hiện được thì cần phải sửa rất nhiều luật, trong đó có Bộ luật Hình sự. Điều này là rất khó khả thi trong thực tế.

Lê Anh Đức