Kinh tế

Kỳ vọng sức mua cận Tết

Hồ Hương 02/02/2024 07:09

Tết đã đến gần. Những ngày này, tại các chợ truyền thống, chợ cóc, siêu thị sức mua đang tăng dần, các tiểu thương kỳ vọng sức mua sẽ tăng 50% so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Tuy nhiên, mức độ tăng giá hàng hóa sẽ không lớn vì nguồn cung hàng hóa rất nhiều, giá cả một số mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hiện khá ổn định, người dân có thể yên tâm mua sắm Tết.

anh-cv.jpg
Người dân sắm hàng Tết tại siêu thị BigC (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Tại thời điểm này, ở một số chợ truyền thống như chợ Gia Lâm, chợ Ngọc Thuỵ ở quận Long Biên hay chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết như măng khô, miến, nấm, bóng bì, thực phẩm chế biến, các đồ đặc sản cho tới các mặt hàng mã đều dồi dào.

Sức mua tăng từng ngày

Tiểu thương Nguyễn Thị Hoà An bán hàng tạp hoá tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên) chia sẻ, thời gian này khách hàng đã mua đồ bánh kẹo, mứt, hay là măng, miến dự trữ ngày Tết. Mấy hôm nay khách mua dồn dập, một số khách hàng hỏi mua bánh đa nem còn hết hàng. “Năm nay, giá bán vẫn giữ ổn định. Lượng hàng bán ra bắt đầu tăng rất mạnh trong 3 ngày trở lại đây. Bản thân tôi hơn một tuần nay bán hàng không nghỉ trưa để phục vụ người mua” - chị An nói.

Cùng với đó, tại chợ Gia Lâm, tiểu thương Nguyễn Thu Thuỷ bán đồ khô cho biết, hàng nông sản phục vụ Tết giờ khá phong phú. Ngay cả những mặt hàng truyền thống nhà nào cũng cần trong dịp Tết như măng, mộc nhĩ, nấm hương tới nay người tiêu dùng mua nhiều. Hy vọng qua ông Công, ông Táo (qua ngày 23 tháng Chạp), sức mua sẽ tiếp tục tăng lên.

Nhìn nhận về sức mua hàng Tết năm 2024, nhiều tiểu thương khác cũng cho biết, phải chờ thêm vài ngày nữa mới có cảnh chen nhau mua hàng. Thời điểm này nhiều khách hàng chỉ mới hỏi trước giá thịt bò, thịt lợn và hẹn cuối tuần ra lấy hàng. Một số khách hàng ngày thường chỉ mua 3 - 4 lạng thịt lợn thì nay đều tăng số lượng lên cả kilogam.

Ghi nhận giá một số mặt hàng cho thấy: măng khô có giá từ 280.000 - 350.000 đồng/kg tùy loại; miến từ 70.000 - 150.000 đồng/kg; bóng bì 40.000 đồng/lạng; bánh đa nem truyền thống 7.000 đồng/thếp…, thịt lợn mông sấn 110.000 đồng/kg, thịt bò thăn, bắp bò giao động từ 250 .000 – 320.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại chợ truyền thống ở La Khê (quận Hà Đông), nhiều tiểu thương cho biết, bây giờ hàng hóa sẵn nên bán tới đâu đi lấy tới đó, vừa bán vừa nghe ngóng xu hướng tiêu dùng của thị trường. Tiểu thương cũng nhập hàng hoá chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp với người dân trên địa bàn.

anh-to-1.jpg
Chợ lá dong Trần Quý Cáp (quận Đống Đa, Hà Nội), ngày 1/2/2024. Ảnh: Vũ Hồng Hải.

Đẩy mạnh khuyến mại kích cầu mua sắm

Không chỉ các chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị đã tập trung đẩy mạnh nhiều gian hàng Tết, từ chất lượng đến mẫu mã cùng với nhiều chương trình giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng. Chị Phan Hoài Giang (quận Hà Đông) cho biết, buổi tối chị tranh thủ đưa con đi siêu thị Aeon Mall Hà Đông mua sắm Tết. Hàng hóa năm nay dồi dào, đến thời điểm hiện tại chưa phải xếp hàng chờ thanh toán lâu. “Năm nay khó khăn nên tôi mua đồ cũng hạn chế hơn trước. Nói chung chỉ cần mua đủ dùng và thêm giỏ quà biếu 2 bên nội ngoại” - chị Giang cho hay.

Còn chị Phạm Thuỳ Dương (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị xuống siêu thị gần nhà thì thấy bánh kẹo khuyến mãi khá nhiều. Chị chọn giải pháp mua gom hàng với bạn bè để được giá rẻ, mà không bị thừa.

Theo ghi nhận tại một số hệ thống siêu thị như: BRG Mart; Hapromart; Haprofood; Go!BigC; Co.opmart/Co.opXtra; WinMart và cửa hàng WinMart+/WIN đang áp dụng khuyến mãi hấp dẫn tới trên 50% với hàng trăm sản phẩm. Nhiều mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, hàng thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống và quà tặng dịp Tết được giảm giá ưu đãi lên đến 30%. Tại các siêu thị đều bố trí khu vực trưng bày giỏ quà Tết bắt mắt với nhiều mức giá khác nhau. Về cơ cấu sản phẩm, số lượng hàng Việt Nam trên quầy kệ chiếm 90%, trong đó hàng nông sản chiếm hơn 95%. Theo đó, nhiều mẫu giỏ quà Tết từ cao cấp đến bình dân với mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/giỏ.

Là người bán hàng trực tiếp, chị Nguyễn Hương, nhân viên hệ thống siêu thị BRG Mart cho biết, sức mua tại siêu thị hiện khá tốt. Hàng thiết yếu, nông sản, đặc sản vùng miền như măng, nấm, bánh chưng, giò chả, bánh kẹo… ghi nhận sức mua tăng hơn. Để kích cầu, nhiều sản phẩm giảm giá tới 50%.

Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho hay, để đáp ứng nhu cầu mua sắm đủ đầy, tiết kiệm, hiệu quả, dịp cuối năm của người dân, siêu thị BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp, dự trữ hàng hóa Tết, sản lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần các tháng trong năm. Hiện lượng hàng hóa Tết tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã về đầy kho, nhất là các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của TP Hà Nội. Dự kiến, hàng bình ổn giá chiếm hơn 30% trong tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết của đơn vị.

Đại diện hệ thống bán lẻ WinCommerce cho biết, từ đầu tháng 12/2023, siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WIN trên toàn quốc đã đưa hàng hóa Tết lên quầy với giá ưu đãi, đơn cử là đồ khô, bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát. Năm nay, WinCommerce tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập quà Tết 2024 “Tết trọn vị - Trao thành ý” với các mẫu giỏ quà có giá thành phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Ngoài ra, chương trình khuyến mại “Khai tiệc tân niên - Vuông tròn vị Tết” diễn ra từ ngày 28/12/2023 đến 10/1/2024, mang tới ưu đãi lên đến 30% cho người tiêu dùng khi mua sắm những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, hàng thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống và quà tặng dịp Tết.

Theo đại diện của hệ thống bán lẻ Central Retail, hiện tại siêu thị Big C đang giảm 50% cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc sắc đẹp, đồ dùng gia đình, thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, gia vị... Ghi nhận cho thấy, tại các siêu thị, hàng hóa Tết mang sắc màu vàng, đỏ là chủ đạo. Nhiều sản phẩm được bán theo combo hoặc kèm khuyến mại, quà tặng để thu hút khách hàng. Hiện sức mua tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ bắt đầu tăng, đặc biệt vào dịp cuối tuần.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hàng hóa dịp Tết năm nay tại các chợ đầu mối hay các siêu thị lớn khá phong phú, giá cả bình ổn. Để tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết cũng như thực hiện đồng bộ và hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, theo truyền thống, không chỉ riêng năm nay mà Tết năm nào giá cả cũng tăng. Nhưng mức độ tăng năm nay sẽ không lớn vì cung hàng hóa rất nhiều, giá cả một số mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hiện khá ổn định. Vì thế, áp lực về giá cả một số mặt hàng từ nay đến Tết Nguyên đán tăng nhưng không nhiều, người dân có thể yên tâm, phấn khởi.

anh-theo-box.jpg

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), triển vọng tăng trưởng của kinh tế sáng lên, tuy nhiên, chúng ta cũng cần thận trọng, không chủ quan. Theo ông Độ, sẽ có 3 kịch bản lạm phát ở nước ta. Cụ thể:

Một là, nếu kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng bình thường, giá nhiên, nguyên, vật liệu ổn định, CPI có thể tăng trung bình 0,24%/tháng. Lạm phát trung bình năm 2024 sẽ ở mức khoảng 3,5%. Đây là kịch bản cao nhất.

Hai là, ở kịch bản thấp, nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong nửa sau của năm 2024 và Việt Nam chịu tác động mạnh, giá nhiên, nguyên, vật liệu giảm mạnh như năm 2020, CPI tăng trung bình 0,05%/tháng. Do đó, lạm phát trung bình sẽ ở mức 2,5%.

Ba là, mức trung bình, trường hợp kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhưng không rơi vào suy thoái, Việt Nam bị ảnh hưởng không nhiều, giá nguyên, nhiên, vật liệu giảm nhẹ thì CPI tăng trung bình 0,15%/tháng. Lúc này, lạm phát trung bình sẽ ở mức 3,0%.

Dù là kịch bản nào thì vấn đề điều hành cũng không được lơi là, phải hết sức thận trọng để kiểm soát lạm phát đảm bảo mục tiêu đã đề ra.

Hồ Hương