Kinh tế

Thịt nhập lậu tăng, người chăn nuôi lo 'mất Tết'

Lê Bảo 03/02/2024 09:58

Giá lợn hơi ngày 2/2 tiếp tục ghi nhận đà giảm 3.000 đồng/kg. Hiện thị trường lợn hơi 3 miền đang giao dịch quanh ngưỡng giá 52.000 - 59.000 đồng/kg. Với giá lợn hơi này đa phần người chăn nuôi bị “mất Tết”.

anh-bai-tren.jpg
Một vụ bắt giữ xe tải vận chuyển lợn trái phép ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN.

Người chăn nuôi lỗ nặng

Đánh giá nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm ngay cả khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, lợn nhập lậu từ Campuchia tràn vào qua các cửa khẩu đã làm cho nguồn cung trong nước tăng lên. Đặc biệt, giá thịt lợn nhập lậu trên thị trường rẻ hơn nên khiến cho giá thịt lợn trong nước bị ép xuống thấp, làm người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Cũng theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, tình trạng lợn nhập lậu không chỉ gây thiệt hại đến người chăn nuôi trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì đây là nguồn lợn không được kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là những ngày gần Tết, an toàn thực phẩm vẫn là câu chuyện căng thẳng. Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, vào thời điểm Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng nên việc nhập lậu tiếp tục tăng đột biến.

Cụ thể, trong 2 tuần đầu của năm 2024, từ ngày 1 - 15/1/2024, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và biên giới Tây Nam.

Tình trạng lợn nhập lậu vốn là câu chuyện khá nóng lâu nay nhưng vẫn chưa có giải pháp trị tận gốc. Riêng trong năm 2023, thanh tra ngành Nông nghiệp đã bắt 131 vụ, thu giữ khoảng 160.000 con gia súc, gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên, số lượng thịt nhập lậu trong thực tế có thể lên tới hàng triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, lợn sống nhập lậu về Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, với việc nhập sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là nhập lậu, không chỉ người chăn nuôi gặp khó mà người tiêu dùng cũng đối diện với nguy cơ về an toàn thực phẩm. Dù hàng năm sản phẩm chăn nuôi đều tăng, chúng ta lại cho nhập thịt thoải mái, trong khi lượng thịt nhập lậu còn gấp nhiều lần. Đây là nguy cơ lớn đối với ngành chăn nuôi. Trong khi sản phẩm chăn nuôi nhập lậu đều không phải chịu thuế, không được kiểm soát dịch bệnh hay chất cấm, sản phẩm chăn nuôi trong nước lại phải đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cần sự vào cuộc của địa phương

Trước tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật và thủy sản đang diễn biến ngày càng phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam. Công điện nêu rõ, thời gian qua tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, lợn, gia cầm, tôm hùm giống qua biên giới vào Việt Nam diễn ra phức tạp, đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Nam giáp biên giới với Campuchia và Lào, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, nguy cơ ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam; trường hợp phát hiện nhập lậu trái phép phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), nếu không kiểm soát chặt, thịt nhập lậu sẽ đem theo mầm bệnh vào Việt Nam gây bùng phát dịch bệnh mới, ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh tới sản phẩm nội địa. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như công an, biên phòng, hải quan...

Để hạn chế tình trạng nhập lậu thịt lợn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, vai trò của các địa phương rất quan trọng. Theo ông, nếu các tỉnh làm mạnh tay thì tình trạng buôn lậu bò, lợn qua biên giới sẽ giảm mạnh.

"Nếu tất cả các tỉnh thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn sẽ giảm bớt tình trạng nhập lậu. Bộ sẽ tiếp tục có các cuộc họp tiếp theo với từng địa phương để có các giải pháp cụ thể kiểm soát chặt việc nhập lậu gia súc" - ông Tiến nói.

Lê Bảo