Tín hiệu tích cực xuất khẩu nông sản năm 2024
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, tháng 1/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý giá các mặt hàng nông sản tăng mạnh trong tháng 1/2024. Trong đó có 2 mặt hàng tiếp tục tăng cao gồm: Chè búp, chè móc câu (tăng 19 - 30%); ớt chuông (33%); một số mặt hàng tăng nhẹ như: hạt tiêu đen (5%); cà phê (4 - 9%); gạo thường (trên 6%); xoài cát chu (8%); thanh long ruột đỏ (3,4%); thanh long ruột trắng (4,5%); tôm nguyên liệu (4%); cá nguyên liệu (5 - 6,7%).
Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); châu Phi 104 triệu USD (tăng 185,4%); châu Á 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); châu Âu 532 triệu USD (tăng 38,2%) và châu Đại Dương 78 triệu USD (tăng 100,9%).
Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Hoa Kỳ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.
Những tín hiệu xuất khẩu tốt của một số ngành hàng trong tháng đầu năm 2024 sẽ tạo tiền đề để xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2024 tăng tốc.
Theo chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, năm 2024, xuất khẩu rau, quả Việt Nam sẽ khởi sắc nhờ các mặt hàng chủ lực: sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài. Đặc biệt, nếu có thêm sầu riêng đông lạnh, dừa tươi thì xuất khẩu rau quả sẽ lập kỷ lục mới, ít nhất đạt 6 tỷ USD, kỳ vọng có thể đạt 6,5 tỷ USD.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhận định, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng trong năm 2024 khi nhu cầu lương thực, trong đó có gạo trên thế giới vẫn ở mức cao. Do ảnh hưởng của El Nino, năng suất lúa gạo có thể giảm. Bên cạnh đó, Ấn Độ có thể vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong thời gian tới khiến cán cân cung - cầu có thể lệch trong năm 2024. Trong khi đó có nhiều nước, đặc biệt là Philippines và Indonesia tiếp tục tăng nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ là điều kiện có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam cũng kỳ vọng, năm 2024, với sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT cùng vào cuộc với chính quyền các địa phương thì việc thực hiện đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, cần có những giải pháp để doanh nghiệp và nông dân tiếp cận. Đặc biệt là nông dân phải sản xuất lúa giảm phát thải thấp để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo.
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNN, mặc dù có lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng để xây dựng thương hiệu, giá trị gia tăng cho nông sản, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, tăng cao năng suất, chất lượng.
Về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, song song với duy trì các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, liên minh châu Âu (EU), Bộ NNPTNT phấn đấu mở cửa những thị trường mới, còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi… Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.