Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Không phải xếp hàng giữ chỗ
Thời điểm này các cơ sở giáo dục đã báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội về việc xác định chỉ tiêu năm học 2024 - 2025. Đối với những đơn vị không đảm bảo điều kiện sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Đảm bảo điều kiện tuyển sinh
Để xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường thực hiện nghiêm các văn bản liên quan; có trách nhiệm xây dựng kế hoạch trường lớp và xác định chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, các nhà trường căn cứ điều kiện thực tế về nguồn tuyển, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… để xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của đơn vị mình. Hiện các trường đã hoàn thành hồ sơ xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 và gửi về Sở GDĐT Hà Nội.
Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, căn cứ báo cáo này, Sở sẽ tổ chức đi kiểm tra tình hình, điều kiện thực tế, sau đó mới xem xét, quyết định phê duyệt, giao chỉ tiêu đối với từng đơn vị để công khai cho nhân dân được biết. Sở kiên quyết không giao chỉ tiêu cho các đơn vị không đảm bảo điều kiện
Trước đó, Sở GDĐT đã ban hành hướng dẫn về việc thực hiện công tác thi, tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2023 - 2024. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo phương thức thi tuyển. Cùng đó, Sở GDĐT chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm 2023, Hà Nội thực hiện phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên với 3 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Năm nay, học sinh và phụ huynh vẫn đang chờ đợi phương án thi 3 hay 4 môn vào lớp 10.
Dự kiến từ năm học này, phụ huynh và học sinh ở Hà Nội sẽ không còn nỗi lo phải xếp hàng giữ chỗ trước cổng trường để giành suất tuyển sinh vào lớp 10. Sở GDĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường THPT tư thục chủ động xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 theo hình thức trực tuyến, bảo đảm rà soát, hoàn thiện các điều kiện tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ sớm để triển khai hiệu quả, thuận lợi cho học sinh và các gia đình.
Đồng thời, các trường phải chủ động chuẩn bị các điều kiện để tuyển sinh, bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên. Sở sẽ thành lập các đoàn trực tiếp đi kiểm tra điều kiện tuyển sinh của tất cả các trường. Nếu trường nào không bảo đảm các điều kiện để tuyển sinh, không có phương án tuyển sinh trực tuyến, Sở sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025.
Tập dượt với thi thử
Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 quan trọng, học sinh lớp 9 ở Hà Nội ngoài việc học và ôn tập theo chương trình Bộ GDĐT quy định còn tham gia các kỳ thi thử để kiểm tra kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Trong đó, ngoài các bài kiểm tra chung đề toàn trường, toàn quận/huyện/thị xã như thông thường, từ học kỳ 2 các nhà trường đều tăng cường tổ chức cho học sinh làm quen với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với các kỳ thi thử được tổ chức theo tháng tùy trường. Theo em Lê Thảo Nguyên - học sinh trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), việc thử sức với các kỳ thi là cần thiết vì em được thầy cô chấm điểm, sửa lỗi và biết được mình đang yếu phần kiến thức nào để bổ sung.
“Ở nhà em vẫn tự luyện theo những đề năm trước đã có, trong sách tham khảo… nhưng vẫn muốn tham dự các kỳ khảo sát theo đề chung của trường vốn được tổ chức như một kỳ thi thật. Qua đó rèn luyện tâm lý phòng thi, tăng tốc độ làm bài nhanh và hiệu quả hơn” - Nguyên cho biết.
Bên cạnh đó, với nhiều học sinh việc thi chung cũng giúp việc nhìn rõ lực học của mình đang ở đâu so với các bạn trong lớp, trong trường để có tiếp tục phấn đấu cũng như có định hướng về việc chọn trường, chọn hướng đi sau tốt nghiệp THCS.
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, năm nay có 135.000 học sinh lớp 9. Dự kiến sẽ chỉ có khoảng hơn 60% trong số này đỗ trường THPT công lập nên áp lực cạnh tranh so với những năm trước không hề giảm nhiệt, thậm chí là tăng hơn do số học sinh tăng thêm trong khi chỉ tiêu vẫn giữ nguyên hoặc tăng cũng không đáng kể. Vì vậy, nhiều học sinh tăng tốc để luyện thi, tham gia nhiều kỳ thi thử dù ở thời điểm sát Tết Nguyên đán cũng nhằm giành một suất vào ngôi trường mơ ước sau 9 năm học vất vả. Chi phí những kỳ thi thử do các trung tâm luyện thi tổ chức từ 80.000 - 150.000 đồng/bài thi, học sinh không giới hạn số lần thi thử.
Cô giáo Hoàng Thị Tú Anh (Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, Hà Nội) cho rằng, việc thí sinh làm quen với dạng đề thi là cần thiết. Tuy nhiên, không nên quá sa đà vào các kỳ thi thử mà lãng quên việc học trên lớp, các bài tập thầy cô giao bởi đây cũng là những phần kiến thức quan trọng thầy cô đã chọn lọc sát với kỳ thi thật nhất để học sinh ôn luyện. Các em không nên chủ quan nhưng cũng không cần quá căng thẳng, tự tạo áp lực khiến cho kỳ thi vốn không dễ dàng càng trở nên áp lực hơn gấp bội.